Trường hợp nào khi đăng ký khai tử thì thời gian ngày, tháng, năm chết ghi theo âm lịch?
Thời gian ngày, tháng, năm chết ghi theo âm lịch khi đăng ký khai tử trong trường hợp nào?
Em thường thấy, khi đăng ký khai tử cho người mất thì thời giờ, ngày, tháng, năm chết ghi theo Dương lịch. Vậy, trường hợp nào thời gian đó sẽ được ghi theo âm lịch?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về nội dung khai tử như sau:
Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Do đó, theo quy định hiện hành pháp luật thì thống nhất chung là khi đăng ký khai tử thì về thời gian giờ, ngày, tháng, năm chết ghi theo Dương lịch. Do đó, việc ghi chép này thực hiện theo dương lịch và không có trường hợp nào được phép ghi theo Âm lịch.
Không có giấy báo tử, UBND từ chối đăng ký khai tử có đúng luật?
Ông nội tôi mất năm 1982 nhưng không được cấp giấy báo tử nào, bây giờ thì không chứng minh được là ông đã mất. Tôi cũng đi xin xác nhận của công an khu vực nhưng họ cũng không làm vì nói là thời gian ấy họ chưa nhận chức nên không giải quyết. Tôi ra xã đăng ký khai tử cho ông mà họ từ chối giải quyết có đúng không ạ? Gia đình có chuẩn bị cả ảnh ngôi mộ nhưng cũng không được ạ.
Trả lời:
Tại Điều 13 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về đăng ký khai tử như sau:
Việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật hộ tịch và hướng dẫn sau đây:
- Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
Theo quy định này, nếu không có Giấy báo tử, giấy tờ thay thế Giấy báo tử thì bạn phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
Trường hợp của bạn không có Giấy báo tử và các giấy tờ thay thế Giấy báo tử, đồng thời không cung cấp được bất kì giấy tờ hợp lệ chứng minh ông đã mất thì UBND xã từ chối đăng ký khai tử là đúng.
Đăng ký khai tử khi không có giấy báo tử có được không?
Bạn tôi muốn đi làm chứng tử nhưng theo quy định thì làm giấy chứng tử phải có giấy báo tử, nếu trong trường hợp không có giấy báo tử thì phải làm sao? Bạn tôi phải cần làm những lọai giấy tờ nào để thay thế giấy báo tử? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch về đăng ký khai tử thì:
1. Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký khai tử cho người chết là người nước ngoài cư trú tại xã đó.
2. Người yêu cầu đăng ký khai tử nộp Tờ khai đăng ký khai tử theo mẫu quy định, bản chính Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử được cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
3. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy việc khai tử là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký khai tử ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
4. Sau khi đăng ký khai tử, Ủy ban nhân dân xã có văn bản thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết mang quốc tịch.
Như vậy, bạn vẫn có thể đăng ký khai tử khi không có giấy báo tử.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo