Biểu tình là quyền của người dân? Bị xử phạt bao nhiêu tiền khi biểu tình trái phép?
1. Người dân có quyền biểu tình không?
Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Ngoài ra theo Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng như sau:
Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Như vậy, hiện nay không có quy định nào cấm người dân biểu tình. Tuy nhiên, biểu tình là một hành động thể hiện quan điểm xã hội trước một vấn đề của đất nước nếu như lợi dụng việc biểu tình để tụ tập gây loạn thì đây được xem là hành vi gây mất trật tự công cộng.
Lưu ý, khi biểu tình phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân nơi diễn ra và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Nếu biểu tình mà không đăng ký trước thì coi như là một cuộc biểu tình trái phép và sẽ bị xử phạt.
2. Biểu tình trái phép bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
c) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
đ) Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;
g) Vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu trái phép;
h) Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn, phát loa tuyên truyền ngoài quy định của phép bay;
i) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CPngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Do đó, người nào có hành vi tổ chức biểu tình trái phép sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Còn nếu do một khối người tổ chức biểu thì trái phép thì sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân