Trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non bảo lưu kết quả trúng tuyển như thế nào?
1. Bảo lưu kết quả trúng tuyển trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT bảo lưu kết quả trúng tuyển trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non như sau:
1. Thí sinh đã có giấy báo trúng tuyển được bảo lưu kết quả trúng tuyển trong những trường hợp sau:
a) Đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung ngay trong năm trúng tuyển theo quyết định hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền;
b) Bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn nghiêm trọng không thể nhập học đúng hạn, có hồ sơ y tế và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Thí sinh thuộc diện quy định tại khoản 1 phải gửi đơn xin bảo lưu kèm theo giấy tờ minh chứng tới cơ sở đào tạo gọi nhập học. Thời gian tối đa được bảo lưu kết quả do cơ sở đào tạo quy định, nhưng không ít hơn 3 năm đối với người quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
3. Ngay sau khi đủ điều kiện đi học trở lại, người được bảo lưu kết quả trúng tuyển phải thực hiện các thủ tục nhập học theo quy định của cơ sở đào tạo, trong đó phải cung cấp minh chứng đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc đã được điều trị hồi phục. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có thời gian bảo lưu từ 3 năm trở lên, cơ sở đào tạo xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị đại học để ôn tập trước khi vào học chính thức.
2. Đề án tuyển sinh trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT đề án tuyển sinh trong tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non như sau:
1. Cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Đề án tuyển sinh phải chứa đầy đủ thông tin làm căn cứ để:
a) Thí sinh lựa chọn trường, ngành, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện cá nhân; chuẩn bị các điều kiện tham gia dự tuyển và thực hiện các bước theo kế hoạch tuyển sinh của cơ sở đào tạo;
b) Cơ quan quản lý nhà nước và xã hội giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật và các cam kết đối với người học của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
2. Nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm:
a) Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo, gồm cả thông tin về quyết định mở ngành, ngôn ngữ đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (trên tổng số nhập học) và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp (theo Phụ lục III của Quy chế);
b) Thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học;
c) Kế hoạch tuyển sinh và phạm vi tuyển sinh các đợt trong năm (trong đó đợt 1 tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy phải phù hợp với kế hoạch chung do Bộ GDĐT ban hành), gồm cả quy định về đối tượng và điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, chương trình đào tạo; quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh;
d) Các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
3. Cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh kèm theo công bố đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và qua các hình thức thích hợp khác trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày; trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trước ít nhất 15 ngày.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Kim Dung