Quy định về bán hàng hóa thuộc các khoản viện trợ không hoàn lại như thế nào?
- 1. Bán hàng hóa thuộc các khoản viện trợ không hoàn lại được quy định như thế nào?
- 2. Quy định về bàn giao kết quả thực hiện viện trợ không hoàn lại như thế nào?
- 3. Xử lý tranh chấp trong dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại như thế nào?
- 4. Quy định về nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ không hoàn lại như thế nào?
1. Bán hàng hóa thuộc các khoản viện trợ không hoàn lại được quy định như thế nào?
Tại Điều 17 Nghị định 80/2020/NĐ-CP bán hàng hóa thuộc các khoản viện trợ không hoàn lại được quy định như sau:
Hàng hóa thuộc các khoản viện trợ được các Bên tiếp nhận viện trợ và Bên cung cấp viện trợ thoả thuận đưa vào Việt Nam bán phải được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định đồng thời với việc phê duyệt các khoản viện trợ, trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính. Hàng hóa đã qua sử dụng khi được phép nhập khẩu vào Việt Nam không phải là hàng hóa thương mại, không được phép tổ chức bán đấu giá. Hàng hoá mới 100%, còn hạn sử dụng phải được tổ chức bán đấu giá theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản.
2. Quy định về bàn giao kết quả thực hiện viện trợ không hoàn lại như thế nào?
Theo Điều 18 Nghị định 80/2020/NĐ-CP quy định về bàn giao kết quả thực hiện viện trợ không hoàn lại như sau:
Sau khi kết thúc, chủ dự án tổ chức nghiệm thu, đánh giá, và tiến hành các biện pháp cần thiết để khai thác và bàn giao kết quả đạt được cho đối tượng thụ hưởng dự án và gửi báo cáo kết thúc dự án đến cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
3. Xử lý tranh chấp trong dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 80/2020/NĐ-CP xử lý tranh chấp trong dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại như sau:
Trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được sự thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định của hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
4. Quy định về nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ không hoàn lại như thế nào?
Theo Điều 20 Nghị định 80/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ không hoàn lại như sau:
1. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ áp dụng đối với các khoản viện trợ do chủ dự án tự quản lý và thực hiện.
2. Đối với khoản viện trợ do Bên cung cấp viện trợ trực tiếp quản lý, thực hiện: Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt; thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp, Bên cung cấp viện trợ bàn giao quyền sở hữu đối với các tài sản, trang thiết bị của chương trình, dự án cho Chủ dự án, Chủ dự án thực hiện việc xác lập sở hữu tài sản theo quy định hiện hành.
3. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được dự toán, kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quản lý tài chính quy định tại Nghị định này. Trường hợp phát sinh mới chưa tổng hợp trong dự toán được cấp có thẩm quyền phân bố và giao kế hoạch, chủ dự án lập dự toán bổ sung theo quy định pháp luật về quản lý nhà nước và pháp luật có liên quan.
4. Đối với vốn viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, sử dụng theo văn kiện chương trình, dự án, phi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều lệ tổ chức và hoạt động của Bên tiếp nhận viện trợ và tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan.
5. Đối với khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn thực hiện, tùy theo tính chất của khoản viện trợ được ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc thu khác của doanh nghiệp.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân