Bị từ chối không thực hiện trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại không?
1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại về hành vi từ chối không thụ lý vụ việc không rõ lý do không?
Tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể như sau:
1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
a) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;
c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;
d) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
2. Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính khác trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của Luật này. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Như vậy, bạn có quyền khiếu nại hành vi từ chối không thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên đến Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý để được giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Trung tâm hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì bạn có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
2. Nguyên tắc cấp phát, sử dụng trang phục của trợ giúp viên pháp lý như thế nào?
Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 58/2014/TTLT-BTC-BTP quy định nguyên tắc cấp phát, sử dụng trang phục, như sau:
1. Việc cấp phát, sử dụng trang phục phải đúng tiêu chuẩn, mục đích, đúng đối tượng, đúng niên hạn theo quy định. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải mở sổ sách theo dõi quản lý việc cấp phát, sử dụng trang phục đến từng Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm chính xác, đúng quy định.
2. Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục để sử dụng khi thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản trang phục theo quy định.
Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát do nguyên nhân khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát không do nguyên nhân khách quan thì cá nhân phải tự may sắm đảm bảo yêu cầu trang phục theo quy định của Bộ Tư pháp về mẫu trang phục của Trợ giúp viên pháp lý để sử dụng khi thực hiện trợ giúp pháp lý.
3. Đối với các trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, chuyển công tác khác mà trang phục được cấp chưa hết niên hạn thì không phải thu hồi; nếu đã hết niên hạn mà chưa được cấp phát thì không được cấp phát.
4. Đối với các trường hợp bị buộc thôi việc và nghỉ khác thì phải thu hồi biển hiệu, quần áo đã được cấp trước khi nghỉ việc.
5. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, sau khi có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở Tư pháp và trên cơ sở giá đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xem xét hình thức cấp phát trang phục cho Trợ giúp viên pháp lý, có thể quyết định cấp tiền cho Trợ giúp viên pháp lý tự may sắm trang phục theo đúng quy định của Bộ Tư pháp về tiêu chuẩn, hình thức, màu sắc, kiểu dáng.
Trường hợp cấp tiền cho Trợ giúp viên pháp lý tự may sắm trang phục, chứng từ thanh toán là bảng kê danh mục trang phục được cấp và đơn giá từng trang phục đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Theo đó, trợ giúp viên pháp lý sẽ được cấp phát trang phục theo quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài