Lệ phí, án phí giải quyết ra sao khi đình chỉ giải quyết vụ việc ly hôn?
Lệ phí, án phí giải quyết thế nào khi đình chỉ giải quyết vụ việc ly hôn?
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, theo quy định khoản 5 Điều 397 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, xóa sổ thụ lý giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng thì tiền tạm ứng án phí và lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.
Khoản 5 Điều 25 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định tư cách tố tụng của các đương sự, theo đó, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trường hợp đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí thì được khấu trừ số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp; nếu chưa đủ thì phải nộp phần còn thiếu; trường hợp đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp sẽ được giải quyết khi Tòa án quyết định án phí.
Những vụ việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự?
Cho tôi hỏi, Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ việc dân sự nào?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định các vụ việc dân sự có phải có sự tham gia của Viện kiêm sát tại phiên tòa sơ thẩm, cụ thể như sau:
Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này.
Trên đây là những vụ việc mà Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm của các vụ việc dân sự.
Áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ việc dân sự khi nào?
Ban biên tập cho tôi hỏi, vụ việc dân sự khi nào áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 317 Bộ luật tố dụng dân sự 2015 quy định vụ án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Như vậy, vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ 03 điều kiện của Điều luật trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh