Có cần thông báo cho cơ quan nhà nước về tổ chức dây họ hay không?
1. Tổ chức dây họ có cần thông báo cho cơ quan nhà nước hay không?
Tại Điều 14 Nghị định 19/2019/NĐ-CP có quy định thông báo về việc tổ chức dây họ như sau:
1. Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên;
b) Tổ chức từ hai dây họ trở lên.
2. Nội dung văn bản thông báo:
a) Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ họ;
b) Thời gian bắt đầu và kết thúc dây họ;
c) Tổng giá trị các phần họ tại kỳ mở họ;
d) Tổng số thành viên.
3. Trường hợp thông tin về dây họ đã được thông báo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà có sự thay đổi thì chủ họ phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.
4. Chủ họ không thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Như vậy, theo quy định như trên, bạn khi tổ chức dây họ thì cần phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú nếu tổ chức hai dây họ trở lên hoặc dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên.
2. Muốn làm chủ họ cần đáp ứng những điều kiện gì?
Tại Điều 6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định điều kiện làm chủ họ như sau:
1. Chủ họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
2. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
3. Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
Theo đó, để có thể làm chủ họ, thì bạn cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như trên.
3. Quyền và nghĩa vụ của chủ họ được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của chủ họ được quy định tại Điều 17 và Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP cụ thể như sau:
Điều 17. Quyền của chủ họ
1. Chủ họ trong họ không có lãi có các quyền sau đây:
a) Thu phần họ của các thành viên;
b) Yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó;
c) Quyền của chủ họ trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này;
d) Các quyền khác theo thỏa thuận.
2. Chủ họ trong họ có lãi có các quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Lĩnh các phần họ trong kỳ mở họ đầu tiên và không phải trả lãi cho các thành viên khác trong trường hợp chủ họ đồng thời là thành viên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ họ trong họ hưởng hoa hồng có các quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc trường hợp họ không có lãi hoặc các quyền quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc trường hợp họ có lãi;
b) Được hưởng hoa hồng từ thành viên lĩnh họ.
Điều 18. Nghĩa vụ của chủ họ
1. Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.
2. Thông báo đầy đủ về số lượng dây họ; phần họ, kỳ mở họ; số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ.
3. Giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ.
4. Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Để các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu.
6. Gửi thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.
7. Các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.
8. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chủ họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định như trên.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn