Bị chồng bạo lực gia đình có thể yêu cầu xã không cho chồng tiếp xúc gần với mình không?
1. Bị chồng bạo lực gia đình có thể yêu cầu Uỷ ban xã không cho chồng tiếp xúc gần với mình không?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định điều kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày khi có đủ các Điều kiện sau đây:
a. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b. Đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c. Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan Công an; cơ quan nơi làm việc của nạn nhân hoặc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà nạn nhân là thành viên.
3. Hành vi bạo lực gia đình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được xác định khi có một trong các căn cứ sau đây:
a. Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và Điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra;
b. Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình;
c. Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.
4. Nơi ở khác nhau quy định tại điểm c khoản 1 Điều này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.
5. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người tàn tật.
6. Các trường hợp đặc biệt mà người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:
a. Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi;
b. Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng;
c. Tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
d. Những trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Như vậy, khi chị bị chồng thực hiện hành vi bạo lực gia đình thì chị có thể yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm chồng tiếp xúc với chị theo quy định trên.
2. Hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp nào?
Theo Điều 11 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
1. Biện pháp cấm tiếp xúc được hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
a. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình;
b. Biện pháp này không còn cần thiết;
c. Phát hiện những thông tin sai lệch làm căn cứ ra quyết định.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là người có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc.
3. Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi ngay tới người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
Theo đó, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được hủy bỏ trong trường hợp trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh