Quyết định phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại quy định như thế nào?
1. Quy định về quyết định phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại như thế nào?
Tại Điều 11 Nghị định 80/2020/NĐ-CP quy định về quyết định phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại như sau:
1. Quyết định phê duyệt gồm những nội dung chính sau:
a) Tên chương trình, dự án, phi dự án;
b) Tên cơ quan chủ quản, chủ khoản viện trợ; Bên cung cấp viện trợ, đồng cung cấp viện trợ nước ngoài;
c) Mục tiêu và kết quả chủ yếu của khoản viện trợ; đối với khoản viện trợ phi dự án bằng hàng hóa, hiện vật kèm theo Danh mục hàng hóa, hiện vật.
d) Thời gian và địa điểm thực hiện;
đ) Tổng vốn của chương trình, dự án hoặc khoản viện trợ phi dự án (vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng); vốn viện trợ không hoàn lại do Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, thực hiện, vốn viện trợ không hoàn lại do Bên tài trợ quản lý, thực hiện;
e) Cơ chế tài chính áp dụng đối với khoản viện trợ: thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
g) Phương thức quản lý thực hiện.
2. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt khoản viện trợ, cơ quan chủ quản thông báo cho Bên cung cấp viện trợ về quyết định phê duyệt khoản viện trợ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan Quyết định phê duyệt của cơ quan chủ quản để giám sát và phối hợp thực hiện.
2. Tổ chức quản lý chương trình, dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại như thế nào?
Theo Điều 12 Nghị định 80/2020/NĐ-CP tổ chức quản lý chương trình, dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại như sau:
Căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể thực hiện chương trình, dự án, năng lực tổ chức quản lý chương trình, dự án, cơ quan chủ quản quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án sau:
1. Sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực quản lý và thực hiện dự án đối với dự án quy mô dưới 200.000 USD (hai trăm nghìn đô la Mỹ).
2. Sử dụng Ban quản lý đang hoạt động để quản lý chương trình, dự án mới.
3. Thành lập Ban quản lý riêng cho từng chương trình, dự án.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản trong dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 80/2020/NĐ-CP nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản trong dự án hỗ trợ viện trợ không hoàn lại được quy định như sau:
1. Vận động viện trợ trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và năng lực tiếp nhận viện trợ.
2. Phê duyệt các khoản viện trợ theo thẩm quyền.
3. Quyết định tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, dự án.
4. Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án; lập kế hoạch tài chính, dự toán thu chi ngân sách nhà nước hằng năm trên cơ sở đề xuất của Chủ khoản viện trợ, phù hợp quy định của pháp luật có liên quan.
5. Chỉ đạo công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách, việc thực hiện công tác đấu thầu theo thỏa thuận với Bên cung cấp viện trợ.
6. Chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, báo cáo đầy đủ các nguồn vốn, tài sản tiếp nhận, sử dụng các khoản viện trợ. Phê duyệt quyết toán hàng năm và khi kết thúc dự án.
7. Chịu trách nhiệm định kỳ tổng hợp báo cáo tài chính các khoản viện trợ do cơ quan chủ quản phê duyệt.
8. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định hiện hành về quản lý dự án.
9. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình giải ngân, sử dụng viện trợ; báo cáo tổng hợp hàng năm về kết quả vận động viện trợ, tình hình thực hiện, giám sát, đánh giá các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 của năm tiếp sau; gửi báo cáo kết thúc khoản viện trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong vống 06 tháng sau khi kết thúc khoản viện trợ.
10. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm khác trong công tác quản lý và sử dụng viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân