Tổ chức thực hiện sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu trong giảm nghèo bền vững 2021-2025?
1. Tổ chức thực hiện sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025?
Căn cứ Khoản 4, Khoản 5 Điều 11 Thông tư 06/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 14/08/2022) quy định tổ chức thực hiện sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu như sau:
4. Tổ chức thực hiện
a) Các bộ, cơ quan Trung ương có nhu cầu thực hiện xuất bản phẩm mới từ nguồn kinh phí của Tiểu dự án chịu trách nhiệm:
- Tổ chức lập kế hoạch thực hiện gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, theo dõi thực hiện nhiệm vụ của Tiểu dự án;
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xét chọn, thông báo đến cơ quan chủ quản, nhà xuất bản về đề tài xuất bản phẩm mới do cơ quan Trung ương thực hiện bằng nguồn kinh phí của Tiểu dự án.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm:
- Tổ chức lập kế hoạch, xét chọn, thông báo đề tài xuất bản phẩm mới do địa phương thực hiện bằng nguồn kinh phí của Tiểu dự án;
- Phê duyệt đề tài, quản lý, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, theo dõi thực hiện nhiệm vụ đặc thù của Tiểu dự án.
b) Nhà xuất bản chịu trách nhiệm:
- Đảm bảo xuất bản phẩm mới theo tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều này, không trùng lặp với đề tài xuất bản phẩm đã có;
- Thực hiện xuất bản xuất bản phẩm, tổ chức phát hành xuất bản phẩm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Đảm bảo xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ;
- Quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Tiểu dự án được giao đúng quy định của pháp luật;
- Phát hành xuất bản phẩm điện tử thuộc Tiểu dự án lên trên nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và các nền tảng công nghệ do nhà xuất bản, cơ quan chủ quản quản lý, nền tảng thư viện điện tử công cộng (nếu có).
5. Ngoài các nội dung quy định tại Điều này, các hoạt động khác thực hiện theo Thông tư số 32/2021/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu phát hành trên không gian mạng trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025?
Theo Điều 12 Thông tư 06/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 14/08/2022) quy định lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng như sau:
1. Yêu cầu chung
Các tác phẩm báo chí in (báo in, tạp chí in), các chương trình phát thanh, truyền hình (bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số (nếu có)) được lựa chọn chuyển sang định dạng số là các tác phẩm báo chí in đã phát hành, các chương trình phát thanh, truyền hình đã phát sóng trước đây (bằng công nghệ tương tự) có nội dung thông tin thiết yếu, có giá trị sử dụng lâu dài cần phổ biến rộng rãi cho xã hội, góp phần tiết kiệm nguồn lực của nhà nước và nâng cao hiệu quả truyền thông.
2. Đối tượng thực hiện
a) Đối với báo, tạp chí in: Cơ quan báo, tạp chí thuộc các cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Đối với báo nói, báo hình: Các đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương quản lý và các cơ quan báo chí có hoạt động phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí.
3. Tiêu chí lựa chọn các tác phẩm báo chí để chuyển sang định dạng số:
a) Về nội dung: Phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; bám sát yêu cầu, định hướng tuyên truyền của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan chủ quản;
b) Về hình thức chuyển đổi:
- Đối với các tác phẩm báo, tạp chí in: Chuyển đổi sang các tác phẩm báo, tạp chí điện tử;
- Đối với các chương trình phát thanh, truyền hình: Chuyển đổi sang các chương trình công nghệ số.
c) Về hiệu quả: Đảm bảo cung cấp các thông tin thiết yếu đối với đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
4. Quy trình thực hiện:
a) Các cơ quan báo chí lựa chọn danh mục tác phẩm báo chí để chuyển sang định dạng số, bao gồm các nội dung: Tên tác phẩm; tác giả; năm xuất bản; tóm tắt nội dung; ngôn ngữ thực hiện (trường hợp thực hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số thì ghi rõ tiếng dân tộc nào); hình thức định dạng số thực hiện đối với tác phẩm; nội dung công việc thực hiện chuyển tác phẩm sang định dạng số; địa chỉ đăng báo điện tử, kênh phân phối nội dung của cơ quan báo chí; thời gian thực hiện; kinh phí thực hiện, bao gồm kinh phí hỗ trợ của Tiểu dự án, đóng góp của cơ quan báo chí (nếu có);
b) Thực hiện chuyển tác phẩm báo, tạp chí in sang tác phẩm báo, tạp chí điện tử; chuyển đổi chương trình phát thanh, truyền hình sang công nghệ số;
c) Đăng các tác phẩm báo điện tử, tạp chí điện tử trên chuyên trang, chuyên mục của báo điện tử, tạp chí điện tử; phát sóng, đăng các chương trình phát thanh, truyền hình trên các kênh phân phối nội dung của cơ quan báo chí.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Đối với cơ quan chủ quản báo chí chịu trách nhiệm: Tổ chức, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch; phê duyệt danh mục tác phẩm chuyển đổi đối với cơ quan báo chí trực thuộc theo quy định gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp vào kế hoạch thực hiện Tiểu dự án;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm: Chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Tiểu dự án; giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối tham mưu, tổng hợp kế hoạch thực hiện của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, theo dõi nhiệm vụ đặc thù của Tiểu dự án;
c) Cơ quan báo chí chịu trách nhiệm:
- Thực hiện nội dung của Tiểu dự án theo kết quả phê duyệt của cơ quan chủ quản, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí được giao theo quy định;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền tác phẩm báo chí đề xuất tham gia thực hiện Tiểu dự án;
- Quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung, khối lượng công việc thực tế thực hiện chuyển tác phẩm sang định dạng số theo quy định của pháp luật;
- Đăng các tác phẩm báo chí đã chuyển đổi thuộc Tiểu dự án lên trên nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử thiết yếu do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và nền tảng do cơ quan báo chí, cơ quản chủ quản quản lý (nếu có).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh