Tiêu chí và yêu cầu sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
1. Tiêu chí và yêu cầu sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025?
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 11 Thông tư 06/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 14/08/2022) quy định sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu như sau:
1. Yêu cầu chung
a) Xuất bản phẩm phải cung cấp nội dung thông tin thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mà người dân cần có, Nhà nước cần cung cấp, nhưng xã hội chưa đáp ứng được; Ưu tiên phục vụ đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao;
b) Các xuất bản phẩm không được trùng lặp với xuất bản phẩm đã được thực hiện ở các nhiệm vụ, chương trình, đề án khác.
2. Tiêu chí lựa chọn đề tài xuất bản phẩm
a) Về nội dung: Đề tài xuất bản phẩm thuộc một hoặc một số chủ đề sau:
- Phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm áp dụng trong sản xuất, những mô hình sinh kế bền vững phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống biến đổi khí hậu;
- Phổ biến, giới thiệu kiến thức về văn hóa, văn học, nghệ thuật, di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc cần quảng bá, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau và tạo dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch;
- Giới thiệu, tôn vinh những cá nhân điển hình, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
b) Về hình thức: Được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số (nếu có)
- Đối với xuất bản phẩm điện tử thực hiện theo định dạng xuất bản phẩm điện tử thông thường, xuất bản phẩm dạng âm thanh, xuất bản phẩm đa phương tiện với các yêu cầu cụ thể sau:
+ Đối với xuất bản phẩm điện tử thông thường: Được thể hiện dưới dạng chữ viết (có thể có thêm hình ảnh tĩnh minh họa); thiết kế lật theo từng trang (flipbook) hoặc đọc nối tiếp không có ngắt trang; đọc được bằng phương tiện điện tử thông dụng;
+ Đối với xuất bản phẩm điện tử dưới dạng âm thanh: Được thu âm trực tiếp từ giọng người đọc hoặc thiết bị đọc tự động, nghe được bằng phương tiện điện tử thông dụng;
+ Đối với xuất bản phẩm đa phương tiện: Được thể hiện dưới dạng kết hợp âm thanh, hình ảnh động; đọc, nghe, nhìn được bằng phương tiện điện tử thông dụng.
- Đối với xuất bản phẩm in: Số trang in tối đa 300 trang/xuất bản phẩm, khuôn khổ 14,5 x 20,5cm, có tiêu chuẩn kỹ, mỹ thuật phù hợp với hoạt động truyền thông. Các xuất bản phẩm in được thực hiện đồng thời với xuất bản phẩm điện tử để phục vụ đông đảo người đọc trên nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử thiết yếu do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
c) Về bản quyền
- Các xuất bản phẩm được lựa chọn thực hiện phải đảm bảo quy định về pháp luật xuất bản và sở hữu trí tuệ;
- Thời hạn chuyển nhượng bản quyền tối thiểu là 05 năm, tính từ ngày giám đốc nhà xuất bản ra quyết định phát hành xuất bản phẩm điện tử.
2. Quy trình thực hiện sản xuất mới các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025?
Theo Khoản 3 Điều 11 Thông tư 06/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 14/08/2022) quy định quy trình thực hiện như sau:
3. Quy trình thực hiện
a) Đăng ký đề tài xuất bản phẩm:
- Nhà xuất bản chịu trách nhiệm thực hiện đăng ký đề tài xuất bản phẩm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí của Tiểu dự án.
- Thông tin đăng ký gồm những nội dung sau: Tên đề tài; Tác giả; Tóm tắt nội dung; Thể loại; Ngôn ngữ xuất bản (trường hợp thực hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số thì ghi rõ tiếng dân tộc nào); Hình thức xuất bản phẩm thực hiện (xuất bản phẩm in, xuất bản phẩm điện tử thông thường, xuất bản phẩm điện tử dưới dạng âm thanh và xuất bản phẩm đa phương tiện); Thời hạn mua bản quyền tác phẩm (đối với xuất bản phẩm điện tử); Phương thức thực hiện; Đối tượng phát hành (đối với xuất bản phẩm in), tên miền xuất bản, phát hành (đối với xuất bản phẩm điện tử); Thời gian thực hiện xuất bản phẩm; Kinh phí thực hiện, bao gồm kinh phí của Tiểu dự án, đóng góp của nhà xuất bản (nếu có).
b) Xét chọn đề tài:
- Ở Trung ương: Căn cứ vào danh mục đề tài xuất bản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xét chọn danh mục đề tài xuất bản phẩm theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí của Tiểu dự án;
- Ở địa phương: Căn cứ vào danh mục đề tài xuất bản phẩm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xét chọn danh mục đề tài xuất bản phẩm theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí của Tiểu dự án; gửi danh mục xuất bản phẩm được xét chọn về Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp quản lý.
c) Tổ chức xuất bản và phát hành
- Căn cứ đề tài đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Nhà xuất bản tổ chức biên tập, xuất bản và phát hành theo quy định pháp luật;
- Nhà xuất bản phải ghi rõ thời hạn (từ ngày, đến ngày) xuất bản phẩm được đọc miễn phí trên các nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm điện tử và phải thông báo bằng văn bản cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả biết ngày phát hành xuất bản phẩm để tính thời hạn chuyển nhượng theo thỏa thuận (Mẫu thông báo tại Phụ lục 3 kèm theo), đồng thời gửi thông báo đến cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cùng cấp để theo dõi, quản lý;
- Việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh