Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng được tổ chức quản lý thực hiện như thế nào?
1. Tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng như thế nào?
Căn cứ quy định Điều 25 Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng như sau:
1. Người đứng đầu cơ quan được cấp có thẩm quyền giao lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và người đứng đầu cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của nhiệm vụ như: Ban quản lý, thuê tư vấn quản lý, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý.
2. Chi phí quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch thực hiện theo quy định về chi phí quản lý dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của nhiệm vụ, quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan như: Ban quản lý, thuê tư vấn quản lý, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý.
4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án, quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan như: Ban quản lý dự án, thuê tư vấn quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp quản lý.
5. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì việc tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Đối với dự án khẩn cấp không có cấu phần xây dựng:
a) Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quyết định việc tổ chức quản lý dự án khẩn cấp; tổ chức giám sát thực hiện và nghiệm thu bàn giao dự án hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan;
b) Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án có thể ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án từ giai đoạn lập dự án đến giai đoạn hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng và chịu trách nhiệm về việc ủy quyền đó.
2. Thiết kế dự án bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án như thế nào?
Căn cứ quy định Điều 26 Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công thiết kế dự án như sau:
1. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định phương án thiết kế dự án bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án. Cụ thể:
a) Thiết kế một bước là thiết kế chi tiết, gồm các tài liệu thể hiện bằng thuyết minh, sơ đồ, các mô tả nội dung thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng khác;
b) Thiết kế hai bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết. Thiết kế cơ sở gồm các tài liệu thể hiện bằng thuyết minh và các sơ đồ sơ bộ thiết kế hạ tầng kỹ thuật và các nội dung khác bảo đảm thể hiện được phương án thiết kế. Thiết kế bước sau phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế ở bước trước.
2. Nội dung phương án thiết kế dự án quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành.
3. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, số bước thiết kế được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì số bước thiết kế được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án như thế nào?
Căn cứ quy định Điều 27 Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công nội dung và xác định tổng mức đầu tư của dự án như sau:
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là ước tính chi phí đầu tư của dự án được xác định phù hợp với các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C;
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được tính toán trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của dự án và suất vốn đầu tư (nếu có) hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, quy mô, tính chất dự án đã hoặc đang thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác.
2. Tổng mức đầu tư dự án là toàn bộ chi phí đầu tư của dự án được xác định cụ thể phù hợp với thiết kế một bước hoặc thiết kế hai bước quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này và các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;
Nội dung tổng mức đầu tư dự án gồm: chi phí chuẩn bị đầu tư; chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai; chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy, chi phí thiết bị; chi phí tiền công, tiền lương; chi phí tư vấn; chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá; chi phí quản lý và các thành phần chi phí khác.
3. Nội dung các chi phí của tổng mức đầu tư:
a) Chi phí chuẩn bị đầu tư;
b) Chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai;
c) Chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy để thực hiện các dự án;
d) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có), chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí có liên quan khác;
đ) Chi phí tiền lương, tiền công để thực hiện dự án;
e) Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác;
g) Chi phí tư vấn gồm chi phí tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí thiết kế, chi phí tư vấn giám sát dự án và các chi phí tư vấn khác liên quan (nếu có);
h) Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án;
i) Chi phí quản lý và các thành phần chi phí khác.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
5. Phương pháp xác định một số khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án như sau:
a) Chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai được xác định trên cơ sở diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và phù hợp với thời gian lập tổng mức đầu tư, địa điểm đầu tư dự án;
b) Chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy (nếu có) để thực hiện dự án được tính toán trên cơ sở số lượng, chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật và giá cả thị trường;
c) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, loại thiết bị hoặc hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn, giá cả thị trường và các chi phí khác có liên quan;
d) Chi phí tiền lương, tiền công căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức, tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí, chi phí khác có liên quan được tính theo quy định của pháp luật và giá cước vận chuyển;
e) Chi phí tư vấn được xác định theo công việc tư vấn của dự án tương tự đã thực hiện hoặc xác định bằng ước tính theo từng khoản chi cho việc tư vấn theo định mức (nếu có) hoặc giá cả thị trường;
g) Chi phí dự phòng cho công việc có thể phát sinh thêm và trượt giá trong thời gian triển khai thực hiện dự án được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng mức đầu tư và từng yếu tố chi phí cụ thể quy định tại khoản 3 Điều này;
h) Chi phí quản lý và chi phí khác được xác định theo quy định của pháp luật và đặc điểm, tổ chức quản lý của dự án.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Kim Dung