Quy định về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhóm giải pháp đột phá trong phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030?
1. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhóm giải pháp đột phá trong phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040?
Căn cứ Mục 4a Điều 1 Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nội dung trên như sau
4. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
a) Nhóm giải pháp đột phá
- Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic:
+ Nghiên cứu, khuyến khích đầu tư hình thành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác; tại các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông; có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững.
+ Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này.
+ Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.
- Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất
+ Đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...
+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh.
+ Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.
+ Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất.
2. Định hướng phát triển đối với các lĩnh vực khác trong phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040?
Căn cứ Mục 3c Điều 1 Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nội dung trên như sau
- Đối với các lĩnh vực khác
+ Hóa chất bảo vệ thực vật:
Đầu tư sản xuất một số hoạt chất có hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thân thiện với môi trường như hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin.
Đầu tư chiều sâu các cơ sở sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ tiên tiến, thay thế các hóa chất, dung môi hữu cơ độc hại; phát triển hoạt chất mới từ vi sinh vật và các hoạt chất được chiết tách từ thực vật, tạo ra những sản phẩm dễ sử dụng, có khả năng phân hủy, thân thiện với môi trường; phát triển sản phẩm dạng gia công mới, phân bố hợp lý ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm và phù hợp với đặc điểm cây trồng, khí hậu, thổ nhưỡng.
+ Sơn - mực in:
Tập trung đầu tư mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở sơn - mực in hiện có, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, loại bỏ dần các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu; mở rộng, nâng công suất các nhà máy sản xuất nguyên liệu (nhựa alkyd, nhựa acrylic, bột màu...) cho ngành sơn - mực in; xây dựng một số dự án về sản xuất nguyên liệu cho ngành sơn - mực in trong đó chú trọng nguyên liệu mảng nhựa, bột độn, dung môi như acrylic, epoxy, polyurethane, các loại bột độn có đặc tính chuyên dụng, cao cấp như cao lanh, CaCO3, SiO2...
Đầu tư sản xuất các loại sơn có giá trị sử dụng cao như: sơn UV/EB, sơn nano, sơn gốc nước, sơn bột, sơn có hàm lượng rắn cao, sơn thông minh; sản xuất các chủng loại mực in có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường như các sản phẩm đi từ gốc nước, thay thế hoặc loại bỏ thành phần dung môi toluene, MEK bằng alcohol...
+ Chất tẩy rửa:
Hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ hiện có nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm đối với thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển các sản phẩm chất tẩy rửa mới và các sản phẩm mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu, các hoạt chất có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường, an toàn cho người sử dụng và có giá trị kinh tế cao.
Thu hút vốn đầu tư để sản xuất các sản phẩm cao cấp, cần công nghệ cao và vốn đầu tư lớn, kể cả sản xuất các loại nguyên liệu.
Xây dựng chính sách đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, xâm nhập thị trường bằng chính thương hiệu của mình.
+ Khí công nghiệp:
Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại, an toàn để chế biến đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các loại khí công nghiệp thông thường; đầu tư sản xuất khí hiếm có giá trị cao như Xe, Kr,..., khí đặc biệt (khí tinh khiết cao, khí bán dẫn, khí chuẩn và khí trộn), giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Sản xuất khí hydro từ nguồn năng lượng tái tạo.
+ Nguồn điện hóa học:
Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng ắc quy, pin thông dụng.
Đầu tư sản xuất một số loại ắc quy, pin chuyên dụng cao cấp như: Ắc quy kín khí, pin nhiên liệu rắn, pin niken hydro kim loại hoặc pin Ion- Li, pin sạc thế hệ mới dùng trong các thiết bị điện tử cao cấp.
Trân trọng!
Lê Bảo Y