Khi có hành vi sàm sỡ đồng nghiệp có bị đuổi việc ngay không?
Có bị đuổi việc ngay khi có hành vi sàm sỡ đồng nghiệp không?
Câu hỏi: Mình bên phòng nhân sự công ty xây dựng, xảy ra tình huống khó liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cho mình hỏi: Khi phát hiện hành vi sàm sỡ đồng nghiệp thì công ty có thể đuổi việc ngay người này không?
Trả lời:
Tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
Theo đó, theo quy định trên thì nếu như phát hiện người lao động mình có hành vi sàm sỡ đồng nghiệp, quấy trối tình dục tại công ty thì công ty có quyền kỷ luật sa thải, tuy nhiên quy trình sa thải phải thực hiện theo đúng trình tự, do đó vẫn không thể đuổi việc ngay người này được.
Khi có hành vi sàm sỡ đồng nghiệp có bị đuổi việc ngay không? (Hình từ Internet)
Chửi sếp có bị đuổi việc không?
Câu hỏi: Xin chào các anh chị luật sư. Xin tư vấn giúp tôi trường hợp một nhân viên mới vào làm không biết lý do gì mà có hành vi chửi lại sếp. Trong trường hợp này thì công ty có quyền đuổi việc cậu ta một cách đơn phương không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Như vậy, có thể thấy tất cả các trường hợp trên không đề cập tới thông tin mà bạn đề cập. Do đó, bạn có thể căn cứ vào hợp đồng lao động có thỏa thuận trước về nội dung xúc phạm nêu trên hay không, và mức độ như thế nào. Còn về quan điểm của chúng tôi chỉ đơn thuần là chửi lại thì chưa đủ căn cứ để có thể chấm dứt hợp đồng lao động một cách đơn phương.
Lỡ đuổi việc nhân viên thì người sử dụng lao động phải làm sao?
Câu hỏi: Thưa luật sư. Tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân, vừa rồi vì áp lực về kinh tế nên có hành vi không đúng khi đã đuổi việc nhân viên của mình trái luật. Mới được 2 ngày. Bây giờ, tôi phải làm sao? Bạn đó vẫn muốn làm việc cho tôi.
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết;
- Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;
- Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Trên đây là những công việc bạn phải làm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động. Bạn căn cứ để thực hiện đúng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài