Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội có trách nhiệm như thế nào?
1. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội như nào?
Căn cứ Tiểu mục 3 Mục IV Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2022 quy định trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như sau:
3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
a) Rà soát, quản lý, giám sát việc công bố thông tin, chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường thuộc phạm vi quản lý. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nghĩa vụ báo cáo công bố thông tin, chủ động công bố thông tin liên quan đến vụ việc vi phạm và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
b) Rà soát quy trình cấp phép, chào bán chứng khoán ra công chúng trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu thủ tục hành chính và các rủi ro phát sinh. Thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
c) Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các công ty chứng khoán và các chủ thể tham gia thị trường để sớm nhận diện rủi ro của thị trường, vận hành thị trường ổn định, an toàn và minh bạch, tiến tới áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào phân tích dữ liệu, quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của thị trường để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, qua đó lành mạnh hóa thị trường, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam theo đúng quy định tại Luật Chứng khoán.
đ) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt các giải pháp khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hướng tới cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.
e) Chủ động và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm an toàn thị trường.
2. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội?
Theo Tiểu mục 4 Mục IV Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2022 quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
a) Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
b) Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, ứng dụng công nghệ mới đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán.
c) Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng. Kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định, hạn chế xảy ra rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh