Đổi tên con sang họ mẹ sau khi ly hôn có được không?

Tôi và chồng cũ ly hôn được 2 năm và có với nhau một con chung năm nay 4 tuổi. Lúc con tôi 3 tuổi anh ta lấy người khác và có con với nhau. Nghe tin anh ta đang trong tình trạng nguy kịch, tôi có thể đổi họ cho con sang họ của tôi được không? Và nếu anh ta chết không có di chúc, thì việc đổi họ này có làm mất đi quyền thừa kế tài sản của con tôi không? Nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi!

Ly hôn với chồng cũ có đổi họ cho con sang họ mẹ được không?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quyền thay đổi họ như sau:

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Vì vậy, căn cứ theo quy định trên, bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ cho con của bạn từ họ cha sang họ mẹ.

Đổi tên con sang họ mẹ sau khi ly hôn có được không?

Đổi tên con sang họ mẹ sau khi ly hôn có được không? (Hình từ Internet)

Việc đổi họ cho con có làm mất quyền thừa kế của con khi chồng cũ chết không?

Căn cứ quy định khoản 3 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi họ như sau:

Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Thế nên, trong trường hợp này việc thay đổi họ cho con sẽ không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ. Nghĩa là việc thay đổi họ không ảnh hưởng đến việc thừa kế tài sản khi chồng cũ bạn chết.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giành quyền nuôi con khi ly hôn

Nguyễn Thị Kim Dung

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào