Đòi lại đất 5% hiện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác
Trước đây, khi nền kinh tế nước ta phát triển theo mô hình tập trung bao cấp, mọi người nông dân đều tham gia vào một hợp tác xã chung, cùng đóng góp công cụ lao động, sức lao động và ruộng đất để cùng sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhà nước vẫn cho phép người nông dân được giữ lại hoặc được hợp tác xã giao cho 5% quỹ đất hợp tác xã để người nông dân trồng rau, hoa màu và tự chủ phát triển kinh tế. Việc giao đất được chia trên từng nhân khẩu; diện tích cụ thể là bao nhiêu thì phụ thuộc vào quỹ đất của hợp tác xã. Đất 5% mà gia đình bạn đang sử dụng cũng có nguồn gốc như vậy.
Mặc dù, gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất phần trăm đang sử dụng nhưng bạn không cho biết ba mươi năm trước, những người được giao đất gồm những ai?
- Trường hợp thứ nhất: Toàn bộ diện tích đất phần trăm đều được giao cho bố bạn từ trước. Ba người anh em của bố bạn không có quyền đòi lại đất phần trăm của nhà bạn vì họ không phải là những người được giao đất và không có quyền, nghĩa vụ gì đối với thửa đất đó.
- Trường hợp thứ hai: Diện tích đất phần trăm mà gia đình bạn đang sử dụng trước đây được giao cho tất cả những nhân khẩu trong gia đình, có thể thời điểm đó có cả bố bạn và ba người anh em của bố bạn. Nếu đúng như vậy thì ba người anh em của bố bạn cũng có quyền đối với đất phần trăm mà gia đình bạn đang sử dụng.
Tuy nhiên, cho dù trước đây ba anh em của bố bạn thuộc diện được giao đất 5% thì việc ba người anh em sau ba mươi năm đi xây dựng vùng kinh tế mới về đòi lại đất cũng phải phụ thuộc vào nhiều vấn đề (như: nguồn gốc đất được giao cho ai, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn có hợp lệ không…). Hơn nữa, gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 5% đó và Nhà nước luôn có chính sách bảo đảm cho quyền lợi của người sử dụng đất:
- Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong các trường hợp sau:
+ Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc; chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam;
+ Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;
+ Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao;
+ Đất thổ cư mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm đất ở; đất ở và đất vườn đã giao lại cho hợp tác xã để đi khai hoang; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất;
+ Đất đã chia cho người khác khi hưởng ứng cuộc vận động san sẻ bớt một phần ruộng đất để chia cho người không có ruộng và thiếu ruộng tại miền Nam sau ngày giải phóng.
Nếu sự việc mà bạn nêu được giải quyết trong nội bộ gia đình thì không có gì đáng bàn nhưng nếu không thể tự giải quyết được thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết cũng như việc đảm bảo cho quyền lợi của tất cả các bên liên quan sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn sử dụng đất của gia đình bạn cũng như những giấy tờ, hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất đó.
Thư Viện Pháp Luật