Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được chủ động ra quyết định thi hành án trong trường hợp nào?
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được chủ động ra quyết định thi hành án?
Câu hỏi: Tôi nghe nói Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể chủ động ra quyết định thi hành án dân sự mà không cần phải có có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án trong một số trường hợp. Vậy các luật sư cho tôi hỏi, các trường hợp đó là các trường hợp nào?
Trả lời:
Theo đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
- Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
- Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
- Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
- Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Thời hạn ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành cụ thể như sau:
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định sau:
+ Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
+ Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
+ Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
+ Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra ngay quyết định thi hành án khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được chủ động ra quyết định thi hành án trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Các trường hợp Thủ trưởng có quan thi hành án dân sự được ra quyết định hoãn thi hành án?
Câu hỏi: Các luật sư kính mến. Mong các luật sư giải đáp giúp tôi cụ thể các trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được quyền ra quyết định hoãn thi hành án dân sự theo quy định hiện nay ạ? Rất mong nhận được sự phản hồi trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn rất nhiều!
Trả lời:
Theo đó, tại khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
- Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
- Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
- Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
- Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự 2008; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự 2008 nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
- Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật Thi hành án dân sự 2008;
- Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
- Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự 2008.
Trình tự, thủ tục ra quyết định hoãn thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 14 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Các trường hợp đương nhiên kết thục việc thi hành án dân sự?
Câu hỏi: Theo như tôi biết thì có trường hợp việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình. Nhưng cho tôi hỏi ngoài trường hợp đương nhiên kết thục việc thi hành án dân sự trên đây thì còn có các trường hợp nào khác hay không? Nếu có xin vui lòng cung cấp cụ thể giúp.
Trả lời:
Theo đó, theo quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau đây:
- Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
- Có quyết định đình chỉ thi hành án.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài