Căn cứ phát sinh người đại diện do Tòa án chỉ định trong tố tụng dân sự
Toà án chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ phát sinh người đại diện do Tòa án chỉ định là gì? Trong phiên tòa dân sự, Tòa án chỉ định người đại diện trong trường hợp nào? Mong nhận được tư vấn. Chân thành cảm ơn! Bích Phương, HN (SĐT: 098***)
Trả lời:
Người đại diện do Tòa án chỉ định là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ định của Tòa án.
Theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như sau:
- Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
- Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập về căn cứ phát sinh người đại diện do Tòa án chỉ định trong tố tụng dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Căn cứ phát sinh người đại diện do Tòa án chỉ định trong tố tụng dân sự (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự
Chào Ban biên tập, tôi tên là Khánh Hòa, hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP. HCM. Cho tôi hỏi: Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự được quy định thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người đại diện có quyền và nghĩa vụ sau:
- Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
- Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Đại diện khởi kiện yêu cầu chấm dứt quan hệ nhận nuôi như thế nào?
Vợ chồng ông A và bà B không có con chung nên năm 1998 đã nhận cháu gái C làm con nuôi. Năm 2013 bà B chết, ông A bỏ đi nên cháu C ở với họ hàng bà B. Năm 2015, ông A về, bắt cháu C ngủ chung và có hành vi đồi bại với cháu C. Bà D là dì cháu C (em ruột bà B) khởi kiện yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa ông A và cháu C. Bà D có phải là người đại diện cho cháu C không? Mong nhận được tư vấn. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Đồng thời căn cứ Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
Như vậy, dì cháu C có quyền đại diện cho cháu C để khởi kiện yêu cầu chấm dứt quan hệ nhận nuôi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo