Đại diện theo ủy quyền cho đương sự tham gia tố tụng được không?
Có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giúp được không?
Quy định về đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn là gì? Tôi là nguyên đơn trong vụ việc dân sự về kiện đòi tài sản, tuy nhiên hiện nay tôi bị gẫy chân và phải nằm viện khó khăn trong việc đi lại, do vậy tôi không thể tham gia quá trình tố tụng được. Vậy tôi muốn hỏi, tôi có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giúp tôi được không? Mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 13 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự: Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Đồng thời cũng theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
Trong giao dịch dân sự, không phải trường hợp giao dịch nào chủ thể cũng có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp nhất định phải thông qua hành vi của người khác là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của mình
Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
Như vậy trong trường hợp này chị hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
Đại diện theo ủy quyền cho đương sự tham gia tố tụng được không? (Hình từ Internet)
Sự có mặt của người đại diện của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự
Sự có mặt của người đại diện của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được quy định như thế nào? Bạn đọc Tú Trinh, địa chỉ mail trinhtu****@gmail.com hỏi: Em tham gia một phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản. Tuy nhiên đại diện bên khởi kiện (là người quen của em) lại vắng mặt. Cho em hỏi: Sự có mặt của người đại diện của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập trả lời giúp em. Xin cám ơn!
Trả lời:
Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Theo đó:
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập về sự có mặt của người đại diện của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trường hợp đương sự ở nước ngoài ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng dân sự
Trường hợp đương sự ở nước ngoài ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì người đó có được đại diện cho đương sự ở nước ngoài kháng cáo không? Trường hợp có người đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa thì Tòa án có phải ủy thác tư pháp để tống đạt bản án cho đương sự ở nước ngoài không?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Theo quy định này, trường hợp đương sự ở nước ngoài ủy quyền hợp pháp cho người đại diện tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì người đại diện đó được quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nếu trong văn bản ủy quyền có nội dung ủy quyền cho người đại diện thực hiện việc kháng cáo.
Trường hợp có người đại diện tại phiên tòa sơ thẩm thì theo quy định tại khoản 2 Điều 269, điểm e khoản 1 Điều 474 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho người đại diện của đương sự ở nước ngoài đã tham gia phiên tòa mà không phải tống đạt bản án cho đương sự ở nước ngoài.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo