Hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất nhưng không ghi rõ diện tích chuyển nhượng và không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
Việc gia đình bạn có bị bên A và bên B lừa hay không thì chưa thể khẳng định nhưng gia đình bạn cũng cần cảnh giác và nên chủ động liên lạc và có những biện pháp cần thiết để phòng ngừa.
Dưới đây, chúng tôi cũng lưu ý một số vấn đề để gia đình bạn có thể yên tâm như sau:
Thứ nhất, về hiệu lực của Hợp đồng: Khoản 2 Điều 689 Bộ luật Dân sự về hình thức của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nói chung và hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng như sau: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Theo quy định này thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bố mẹ bạn ký cho bên B phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Theo thông tin bạn cung cấp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bố mẹ bạn đã ký chỉ là giao kết giữa hai bên mà chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nên hợp đồng này chưa có hiệu lực pháp luật (theo khoản 2 Điều 122 Bộ luật Dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự). Trong trường hợp cần thiết, gia đình bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự (Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự thì vô hiệu).
Thứ hai, về thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho bên B. Điều 127 Luật Đất đai quy định về trình tự, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hướng dẫn cụ thể như sau: Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa bố mẹ bạn và bên B chưa có công chứng, chứng thực nên bên B chưa thể hoàn chỉnh hồ sơ để làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật. Gia đình bạn có thể gửi đơn yêu cầu ngăn chặn đến cơ quan có thẩm quyền về đăng ký nhà đất, như: địa chính xã, Văn phòng đăng ký nhà đất huyện…; nhằm mục đích ngăn chặn việc bên A, bên B thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất của gia đình bạn.
Trên đây là một số tư vấn đối với trường hợp của gia đình bạn. Và như trên chúng tôi đã nói, gia đình bạn cần chủ động thường xuyên liên lạc với bên A, bên B; đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết (như đã nêu trên) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mình.
Thư Viện Pháp Luật