Được chở bao nhiêu người khi điều khiển xe đạp?
Người điều khiển xe đạp được chở bao nhiêu người?
Tại Điều 31 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác:
1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.
Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.
4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Theo đó, người điều khiển xe đạp chỉ được chở tối đa 1 người trừ trường hợp chở thêm 1 trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa 2 người.
Được chở bao nhiêu người khi điều khiển xe đạp? (Hình từ Internet)
Người điều khiển xe đạp chở quá số người bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định;
b) Dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước;
c) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này;
d) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;
đ) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;
e) Chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;
g) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy đi dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;
h) Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động; chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù);
i) Điều khiển xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang;
k) Để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;
l) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;
m) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông;
n) Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
o) Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;
p) Xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển;
q) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, trường hợp người điều khiển xe đạp chở quá số người theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chở người đi cấp cứu sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài