Quy định chung về sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào?
1. Sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước quy định như thế nào?
Tại Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước quy định như sau:
1. Việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua một hoặc một số biện pháp sau đây:
a) Đơn giản hoá thủ tục hành chính;
b) Tuyên truyền các chính sách bảo hiểm;
c) Thiết lập các quỹ rủi ro bảo hiểm;
d) Xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm;
đ) Thiết lập các kênh phân phối theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp;
e) Hỗ trợ một phần phí bảo hiểm, kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
g) Xây dựng cơ chế liên kết hợp tác, chia sẻ thông tin quản lý, giám sát giữa các Bộ, ngành có liên quan để triển khai liên kết, hợp tác về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
2. Tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, quỹ rủi ro bảo hiểm quy định như thế nào?
Theo Điều 89 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, quỹ rủi ro bảo hiểm quy định như sau:
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài dưới hình thức tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm phải đạt kết quả xếp hạng của các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể đồng bảo hiểm trên cơ sở cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tham gia đồng bảo hiểm phải là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này.
3. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác nhằm tăng cường thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quản lý tập trung; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể thỏa thuận thành lập quỹ rủi ro bảo hiểm để phân tán, chia sẻ bảo hiểm cho những rủi ro lớn, rủi ro mang tính thảm họa hoặc rủi ro mới phát sinh chưa được hoặc ít được bảo hiểm trên thị trường. Các thỏa thuận thành lập quỹ rủi ro bảo hiểm có sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ; trường hợp có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân