Kinh phí chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quản lý, sử dụng như thế nào?
1. Quản lý, sử dụng kinh phí chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng?
Tại Điều 3 Thông tư 44/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 05/09/2022) quy định quản lý, sử dụng kinh phí chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó:
Kinh phí thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến và chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do ngân sách trung ương đảm bảo được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện như sau:
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP.
2. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng vả người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện rút dự toán theo quy định.
3. Việc quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán, các quy định cụ thể tại Thông tư này và quy chế phân cấp quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Chi chế độ trợ cấp, phụ cấp chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng?
Theo Điều 4 Thông tư 44/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 05/09/2022) quy định chi chế độ trợ cấp, phụ cấp chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, như sau:
1. Chi chế độ trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định của Chính phủ.
2. Chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, gồm:
a) Trợ cấp hằng tháng đối với:
- Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg;
- Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg;
b) Trợ cấp hằng tháng và trợ cấp một lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;
c) Trợ cấp một lần đối với:
- Quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP;
- Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg;
- Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg; thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP;
- Người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg;
d) Trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài