Có đang vi phạm pháp luật không khi đốt và thả đèn trời? Bị phạt bao nhiêu tiền đối với hành vi đốt và thả đèn trời?

Đốt và thả đèn trời có phải đang vi phạm pháp luật? Đốt và thả đèn trời bị xử phạt bao nhiêu tiền? Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Cách đây 3 năm trước tức là năm 2019 tôi có đi du lịch Thái Lan và có tham gia lễ hội đốt và thả đèn trời tại Chiang Mai. Tôi rất thích lễ hội này của Thái Lan vì nó là lễ hội lớn và cũng là dịp để mọi người từ nhiều nơi đến cầu niệm. Khi đốt và thả đèn lên trời thì nhìn rất là đẹp. Tôi cũng muốn được đốt và thả đèn trời tại Việt Nam nhưng tôi nghe nói ở Việt Nam là vi phạm. Cho tôi hỏi điều này có đúng không ạ? Rất mong được giải đáp vấn đề này, tôi cảm ơn ạ!

1. Đốt và thả đèn trời có phải đang vi phạm pháp luật?

Tại Điều 1 Quyết định 95/2009/QĐ-TTg có quy định như sau:

Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trong phạm vi cả nước.

Như vậy, việc đốt và thả đèn trời ở Việt Nam được coi là vi phạm pháp luật. Bạn thích được đốt và thả đèn trời thì bạn có thể đến Chiang Mai của Thái Lan một lần nữa để được tham gia lễ hội này.

2. Đốt và thả đèn trời bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Theo Khoản 2 và Khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;

b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;

đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;

e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;

g) Đốt và thả “đèn trời”;

h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;

i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

...

13. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và i khoản 3 và khoản 9 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng phép bay từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 6, 7, 8 và 11 Điều này;

d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm c, e và g khoản 4 Điều này.

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Do đó, những ai có hành vi đốt và thả đèn trời thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị tịch thu chiếc đèn trời mà người đấy sử dụng để đốt và thả.

Trân trọng!

Vũ Thiên Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào