Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư? Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những gì? Chào anh/chị, tôi muốn hỏi vấn đề như sau, tôi có người bạn là người nước ngoài có dự định là sẽ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Xin hỏi, khi người này thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì có phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?

1. Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, theo quy định như trên, khi người bạn nước ngoài của bạn muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

2. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những gì?

Tại Điều 40 Luật Đầu tư 2020 có quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:

1. Tên dự án đầu tư.

2. Nhà đầu tư.

3. Mã số dự án đầu tư.

4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.

5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.

6. Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).

7. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:

a) Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;

b) Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.

9. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).

10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ gồm có các nội dung theo quy định như trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào