Đảng viên có bị kỷ luật nếu có con tham gia đánh bạc?
1. Đảng viên có con đi đánh bạc có bị kỷ luật không?
Căn cứ Điều 49 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 có quy định như sau:
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Biết nhưng đề vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột, bên vợ (chồng) cùng sống trong gia đình đánh bạc, thực hiện hoạt động rửa tiền, cho vay hoặc đi vay trái quy định dưới mọi hình thức mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc không kịp thời báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình sử dụng hoặc tàng trữ, lưu hành, mua, bán, vận chuyển văn hóa phẩm có nội dung cấm, độc hại; vũ khí quân dụng, thiết bị, công cụ hỗ trợ khác trái quy định mà không kịp thời báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Đánh bạc hoặc sử dụng các chất ma túy hoặc tham gia các tệ nạn xã hội khác.
b) Người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội mà dung túng, bao che, tiếp tay, làm ngơ hoặc không kịp thời xử lý người vi phạm (mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy, đánh bạc, đi vay, cho vay trái quy định hoặc tàng trữ, lưu hành, mua bán, vận chuyển, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung cấm, độc hại).
c) Tàng trữ, lưu hành, mua bán, vận chuyển, sử dụng văn hóa phẩm có nội dung cấm, độc hại.
d) Dung túng, chứa chấp hoặc do thiếu trách nhiệm để xảy ra mại dâm, đánh bạc, mua bán, sử dụng ma túy trái pháp luật và tệ nạn xã hội khác trong đơn vị, cơ quan, tổ chức, địa bàn do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.
đ) Biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột hoặc người thân của mình hoặc bên vợ (chồng) cùng sống trong gia đình sử dụng, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Tổ chức sản xuất, bán hoặc lưu hành, tán phát các văn hóa phẩm có nội dung cấm, độc hại.
b) Sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép hoặc tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy.
c) Sử dụng hành vi đòi nợ trái pháp luật dưới mọi hình thức.
d) Tổ chức chứa chấp và môi giới mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm.
đ) Chủ mưu, khởi xướng, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức hoặc đã bị xử lý về hành vi đánh bạc nhưng tiếp tục tái phạm.
Như vậy, theo quy định như trên, nếu bạn biết con của bạn đi đánh bạc nhưng vẫn cho con của bạn đi đánh bạc thì sẽ bị kỷ luật. Hình thức kỷ luật còn phụ thuộc vào hậu quả gây ra.
2. Đánh bạc bị đi tù tối đa bao nhiêu năm?
Tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội đánh bạc như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, người phạm tội đánh bạc có thể bị phạt tù cao nhất là lên đến 7 năm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn