Người tố cáo có được thông báo khi tố cáo được thụ lý không?

Người tố cáo có nhận được thông báo khi tố cáo được thụ lý không? Nội dung làm việc với người tố cáo có cần chữ ký của người tố cáo không? Chào ban biên tập, tôi có làm đơn tố cáo một cán bộ xã lên huyện đến nay được 3 tháng rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì, tôi có lên hỏi cơ quan huyện thị họ nói đơn tố cáo của tôi đã được thụ lý và đang giải quyết, thì cho tôi hỏi tôi có được nhận thông báo khi tố cáo được thụ lý không? Xin nhờ ban biên tập giải đáp.

1. Người tố cáo có nhận được thông báo khi tố cáo được thụ lý không?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định thụ lý tố cáo, thông báo việc thụ lý tố cáo như sau:

1. Trước khi thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo tự mình hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Trường hợp người tố cáo không cư trú tại địa bàn quản lý hoặc gặp khó khăn trong việc xác minh thì người giải quyết tố cáo có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước ngang cấp hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới xác minh thông tin cần thiết phục vụ việc ra quyết định thụ lý tố cáo. Việc thụ lý tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo. Quyết định thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết. Thông báo việc thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 05, thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, khi đơn tố cáo của anh/chị được thụ lý thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phải thông báo cho anh/chị biết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo.

2. Nội dung làm việc với người tố cáo có cần chữ ký của người tố cáo không?

Theo Điều 11 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định làm việc trực tiếp với người tố cáo như sau:

1. Người giải quyết tố cáo, Tổ xác minh làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng mà họ có được để làm rõ nội dung tố cáo.

Người tố cáo có trách nhiệm trình bày trung thực về nội dung tố cáo, hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

2. Nội dung làm việc với người tố cáo phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tố cáo, người chủ trì làm việc với người tố cáo. Biên bản được lập thành ít nhất 02 bản, giao 01 bản cho người tố cáo (nếu người tố cáo có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo. Trường hợp người tố cáo không ký biên bản làm việc thì người chủ trì làm việc với người tố cáo và thành viên khác của Tổ xác minh ký biên bản và ghi rõ việc người tố cáo không ký. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì người giải quyết tố cáo, người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

Theo đó, nội dung làm việc với người tố cáo phải lập thành biên bản, phải có chữ ký của người tố cáo, người chủ trì làm việc với người tố cáo.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tố cáo

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào