Quy định mới nhất về các cơ quan, đơn vị chuyên môn và đơn vị trực thuộc của Đoàn Luật sư?
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn và đơn vị trực thuộc của Đoàn Luật sư mới nhất?
Căn cứ Điều 20 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022) quy định về nội dung trên như sau:
1. Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn Luật sư.
2. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là cơ quan chấp hành của Đại hội luật sư và là cơ quan điều hành của Đoàn Luật sư.
3. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật là cơ quan chuyên trách tham mưu cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, có trách nhiệm và nhiệm vụ xem xét, xác minh, kết luận và đề xuất với Ban Chủ nhiệm về khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Văn phòng Đoàn Luật sư, các đơn vị chuyên môn và đơn vị trực thuộc do Đoàn Luật sư thành lập để giúp Ban Chủ nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Luật sư.
5. Đoàn Luật sư có từ 1.000 luật sư thành viên trở lên có thể thành lập Chi nhánh Đoàn Luật sư theo đơn vị quận, huyện hoặc khu vực để giúp Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quản lý và tổ chức các hoạt động của luật sư trong khu vực. Chi nhánh Đoàn Luật sư là đơn vị trực thuộc của Đoàn Luật sư, hoạt động theo sự điều hành và chịu trách nhiệm trước Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Một thành viên của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là Trưởng Chi nhánh Đoàn Luật sư. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi nhánh Đoàn Luật sư do Nội quy Đoàn Luật sư quy định. Việc thành lập Chi nhánh Đoàn Luật sư do Đại hội luật sư quyết định.
Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư theo quy định mới nhất?
Căn cứ Điều 21 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022) quy định về nội dung trên như sau:
1. Đại hội luật sư được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày đến hạn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mà Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư không triệu tập Đại hội luật sư, Ban Thường vụ Liên đoàn có trách nhiệm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đại hội luật sư có thể được triệu tập bất thường theo quyết định của Ban Chủ nhiệm để quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội luật sư; hoặc theo đề nghị của ít nhất 1/2 số luật sư của Đoàn Luật sư; hoặc theo đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đại hội luật sư được triệu tập theo hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu tùy thuộc vào số lượng thành viên của Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có số lượng luật sư dưới 300 thì tổ chức Đại hội toàn thể. Đoàn Luật sư có số lượng luật sư từ 300 trở lên thì có thể tổ chức Đại hội đại biểu. Hình thức Đại hội do Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định.
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư triệu tập Đại hội luật sư.
2. Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư phải là các luật sư có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Tổ quốc và tuân thủ Hiến pháp, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư; có tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong xây dựng và phát triển Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có uy tín trong đội ngũ luật sư của Đoàn Luật sư, có trách nhiệm, khả năng đóng góp cho Đại hội; không phải là người đã bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ hoặc đang bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư xem xét xử lý kỷ luật; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc phân bổ cụ thể số lượng đại biểu Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư do Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định nhưng phải bảo đảm nguyên tắc phân bổ và tiêu chuẩn đại biểu quy định tại Điều lệ này.
Số lượng đại biểu của Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư do Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định trên nguyên tắc bảo đảm đại diện đầy đủ cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của toàn thể luật sư thành viên của Đoàn Luật sư.
3. Đại hội luật sư hợp lệ nếu có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự. Trong trường hợp không đủ 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày triệu tập lần thứ nhất phải triệu tập Đại hội lần thứ hai. Đại hội triệu tập lần thứ hai hợp lệ khi có trên 1/2 số đại biểu được triệu tập tham dự. Trong trường hợp Đại hội triệu tập lần thứ hai không đủ trên 1/2 số đại biểu được triệu tập tham dự thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày triệu tập lần thứ hai phải triệu tập Đại hội lần thứ ba. Đại hội triệu tập lần thứ ba hợp lệ không phụ thuộc vào số lượng đại biểu tham dự.
Trong thời gian tiến hành Đại hội, nếu có một hoặc một số đại biểu không tiếp tục tham dự Đại hội mà không có lý do chính đáng thì việc tiến hành Đại hội vẫn được coi là hợp lệ theo số lượng đại biểu có mặt còn lại. Những đại biểu tự ý bỏ về trong quá trình tiến hành Đại hội sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư.
4. Đại hội luật sư có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết hoạt động hành nghề của luật sư, hoạt động của Đoàn Luật sư trong nhiệm kỳ và phương hướng, kế hoạch hoạt động của nhiệm kỳ tiếp theo;
b) Thông qua báo cáo tài chính của Đoàn Luật sư trong nhiệm kỳ;
c) Thông qua Nội quy Đoàn Luật sư hoặc sửa đổi, bổ sung Nội quy (nếu có);
d) Bầu Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư;
đ) Bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc.
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định nội dung, chương trình, thành phần tham dự và thủ tục tiến hành Đại hội luật sư theo quy định của Điều lệ này, hướng dẫn của Hội đồng Luật sư toàn quốc và Ban Thường vụ Liên đoàn.
5. Nghị quyết và các quyết định của Đại hội luật sư được thông qua khi có trên 1/2 số đại biểu có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.
Việc xác định số phiếu hợp lệ trong trường hợp biểu quyết thông qua hình thức bỏ phiếu theo hướng dẫn của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
6. Chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức Đại hội luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn Luật sư được thành lập Đề án tổ chức Đại hội, Phương án xây dựng nhân sự bầu vào Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư hoặc Phương án xây dựng nhân sự bầu bổ sung Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật, bầu thay thế Chủ nhiệm đối với Đại hội luật sư bất thường.
Ban Thường vụ Liên đoàn hướng dẫn về nội dung Đề án tổ chức Đại hội luật sư và Phương án xây dựng nhân sự bầu vào các cơ quan của Đoàn Luật sư và chỉ đạo Đại hội của Đoàn Luật sư thực hiện đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghị quyết, quyết định của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
7. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc Đại hội luật sư, Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ mới của Đoàn Luật sư và Đoàn Chủ tịch Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư báo cáo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn Luật sư được thành lập về kết quả của Đại hội luật sư kèm theo biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của Chủ nhiệm, các thành viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư vừa được bầu, nghị quyết và các quyết định của Đại hội.
Kết quả Đại hội luật sư được công nhận sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn Luật sư được thành lập phê chuẩn.
Trong thời gian chờ quyết định phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư, Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới được bầu tiếp quản và điều hành hoạt động của Đoàn Luật sư; trường hợp có khiếu nại, tố cáo về kết quả Đại hội luật sư thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trân trọng!
Lê Bảo Y