Để trở thành cổ đông sáng lập cần đáp ứng những điều kiện nào?
Điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập?
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Theo Khoản 1 Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, theo đó:
2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, điều kiện để trở thành một cổ đông sáng lập bao gồm các tiêu chí như sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông, ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp và cùng với các cổ đông sáng lập khác phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
Cổ đông sáng lập có được phép nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết và có quyền gì với số cổ phần ưu đãi biểu quyết?
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020 về cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, cụ thể như sau:
1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại Điều lệ công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền sau đây:
a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Theo đó, cổ đông sáng lập được phép nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết và có các quyền được quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài