Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác thuộc về đối tượng nào?
1. Đối tượng quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác?
Tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-BLĐTBXH về đối tượng quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, cụ thể như sau:
Đối tượng quản lý là người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại địa bàn.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác được quy định như thế nào?
Theo Điều 12 Thông tư 11/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác được quy định như sau:
1. Cơ sở dữ liệu về người lao động là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, việc làm, quan hệ lao động của người lao động, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở dữ liệu về người lao động bao gồm các thông tin cơ bản của người lao động, trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
3. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động được xác lập từ các nguồn sau:
a) Thông tin đăng ký lao động của người lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan.
b) Thông tin về người lao động được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin về lao động.
c) Thông tin được kết nối, chia sẻ, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
4. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động được cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau:
a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ liên quan đến quản lý lao động.
b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động chưa đầy đủ, chính xác.
c) Từ các cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.
5. Mẫu biểu: Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Phương thức thực hiện
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện những việc sau:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.
- Tổng hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu về người lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động trong phạm vi cả nước.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào nguồn lực, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp trên và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện:
- Lập kế hoạch và tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý; xử lý các vấn đề phát sinh.
- Thiết lập cơ chế đối soát, cập nhật, chia sẻ dữ liệu người lao động thu thập với dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác là cơ sở để xác thực hoàn thiện và cung cấp sổ lao động điện tử của người lao động.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài