Không cần công chứng tại văn phòng công chứng trong những trường hợp nào?

Những trường hợp nào không cần công chứng tại văn phòng công chứng? Văn phòng công chứng có được bán không? Trưởng văn phòng công chứng phải hành nghề bao nhiêu năm?

Những trường hợp nào không cần công chứng tại văn phòng công chứng?

Theo quy định hiện hành thì những trường hợp nào sẽ không cần phải công chứng tại văn phòng công chứng (tổ chức hành nghề công chứng)?

Trả lời:

Căn cứ Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:

1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo quy định hiện hành thì nếu rơi vào các trường hợp ở Khoản 2 trên như người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam...thì không cần công chứng tại văn phòng công chứng.

Văn phòng công chứng có được bán không? 

Pháp luật hiện hành có cho phép được bán văn phòng công chứng hay không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 29 Luật Công chứng 2014 quy định về việc chuyển nhượng văn phòng công chứng như sau:

1. Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.

Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

2. Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;

b) Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;

c) Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

Như vậy, hoàn toàn có thể được bán, tức chuyển nhượng khi đáp ứng các điều kiện nêu trên giữa bên bán và bên mua (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng).

Trưởng văn phòng công chứng phải hành nghề bao nhiêu năm?

Theo quy định pháp luật hiện hành thì công chứng viên hành nghề bao nhiêu năm mới có thể làm Trưởng văn phòng công chứng? Mới 03 năm hành nghề được không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định về văn phòng công chứng như sau:

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Theo đó, Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên. Do đó, bạn có 03 năm hoạt động trong lĩnh vực này thì đáp ứng được điều kiện về năm hành nghề.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn phòng công chứng

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào