Yêu cầu dân sự bao gồm yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án liên quan tranh chấp kinh doanh, thương mại?

Yêu cầu dân sự có là yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án liên quan tranh chấp kinh doanh, thương mại? Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu về kinh doanh, thương mại nào? Tranh chấp kinh doanh thương mại có bao gồm tranh chấp do chưa thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp?

Yêu cầu dân sự có là yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án liên quan tranh chấp kinh doanh, thương mại?

Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án mà nội dung hòa giải liên quan đến tranh chấp về kinh doanh, thương mại là yêu cầu về dân sự hay yêu cầu về kinh doanh, thương mại? Nếu là yêu cầu về kinh doanh, thương mại thì Tòa án áp dụng Điều luật nào để thụ lý giải quyết vì hiện nay theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu dân sự (khoản 7 Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Trả lời:

Nội dung hòa giải liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì phải xác định yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu về kinh doanh, thương mại.

Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

Điều 31. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.

3. Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

4. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

5. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.

6. Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án áp dụng Khoản 6 Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để thụ lý giải quyết yêu cầu về kinh doanh, thương mại.

Trên đây là nội dung quy định tại Mục 7 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019.

Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu về kinh doanh, thương mại nào?

Là sinh viên kinh tế, hiện đang học việc tại một trung tâm xúc tiến thương mại. Liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp có thắc mắc sau tôi mong nhận được tư vấn từ các anh chị. Cụ thể: Yêu cầu về kinh doanh, thương mại nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện? 

Trả lời:

Yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:

- Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

- Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp kinh doanh thương mại có bao gồm tranh chấp do chưa thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp?

Tại công ty TNHH hai thành viên, thành viên A mua lại toàn bộ phần vốn góp của thành viên B, nhưng chưa thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp theo thỏa thuận. Sau đó A làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển đổi từ công ty TNHH hai thành viên thành công ty TNHH một thành viên. Việc B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng trả lại phần vốn góp đã chuyển nhượng, trả lại tư cách thành viên công ty và hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh thương mại?

Trả lời:

Căn cứ Điều 424 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ như sau:

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.

2. Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc A mua lại toàn bộ phần vốn góp của thành viên B đã xác lập hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa A và B. Bên B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng trả lại phần vốn góp đã chuyển nhượng, là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa A và B. Trường hợp này lý do hủy bỏ hợp đồng do A chậm thực hiện nghĩa vụ.

Tại thời điểm B khởi kiện thì B không còn là thành viên của công ty (do A đã chuyển đổi từ Công ty TNHH hai thành viên sang Công ty TNHH một thành viên). Tuy nhiên, đây là tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa A và B và tại thời điểm giao kết hợp đồng thì A và B đều là thành viên của Công ty TNHH hai thành viên.

Căn cứ Khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

...

4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty."

Vì vậy, theo quy định nêu trên xác định tranh chấp này là tranh chấp kinh doanh thương mại.

Trên đây là nội dung quy định tại Mục 1 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC 2019.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tòa án nhân dân

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào