Người lập di chúc có phải ký tên lên những trang di chúc không?
Có cần thiết phải có chữ ký của người lập di chúc trên những trang di chúc không?
Ông tôi vừa lập một bản di chúc để lại phần di sản thừa kế. Bản di chúc được lập thành 08 trang. Vậy trên từng trang của bản di chúc đó có cần thiết phải có chữ ký của ông tôi không? Mong ban biên tập hỗ trợ.
Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 631 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Như vây, theo quy định thì di chúc của ông bạn gồm 08 trang thì những trang đó phải được đánh số thứ tự và ông bạn phải ký tên hoặc điểm chỉ lên mỗi trang.
Khi đã từ chối nhận di chúc có được đổi ý không?
Chào chuyên viên, tôi có thắc mắc với vấn đề như sau: Nếu khi đã từ chối nhận di chúc thì có được quyền đổi ý tham gia vào thỏa thuận phân chia di sản không? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân được quy định như sau:
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tuy nhiên, người hưởng thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản và được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Như vậy, trong trường hợp đã lập văn bản từ chối nhận di sản và gửi cho các đồng thừa kế, người quản lý di sản và người phân chia thừa kế biết thì việc từ chối đã có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, việc từ chối di sản thừa kế chỉ không có hiệu lực pháp luật trong các trường hợp:
- Từ chối được thể hiện sau thời điểm phân chia di sản;
- Từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác;
- Chưa được lập thành văn bản;
- Chưa gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản thừa kế;
- Do người không được hưởng di sản thừa kế thực hiện…
Do đó, nếu thuộc những trường hợp được nêu trên thì việc từ chối nhận di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật và người thừa kế vẫn được quyền đổi ý để tham gia thỏa thuận phân chia tài sản.
Người lập di chúc không biết chữ lập di chúc bằng hình thức nào?
Ông tôi hiện tại 70 tuổi ông muốn lập di chúc để lại tài sản cho con cháu, nhưng ông không biết chữ. Vậy cho hỏi ông tôi phải lập di chúc theo hình thức nào?
Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Căn cứ thông tin bạn cung cấp thì ông bạn không biết chữ, như vậy khi ông bạn lập di chúc thì di chúc phải được lập bằng văn bản (do người làm chứng lập) và có công chứng hoặc chứng thực.
Ban biên tập phản hồi đến bạn.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo