Có được yêu cầu chia lại thừa kế khi di chúc bị mất hay không?
Di chúc bị mất có được quyền yêu cầu chia lại thừa kế không?
Bố tôi mất có để lại di chúc, nhưng do không cẩn thận chúng tôi làm mất di chúc trên. Nên tài sản đã được chia theo pháp luật. Mà vừa qua chúng tôi đã tìm được di chúc thì tôi muốn chia lại thì có được không? Bố tôi đã mất được 2 năm.
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 642 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trường hợp di chúc bị thất lạc, hư hại như sau:
- Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
- Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
Tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu để yêu cầu chia thừa kế như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, nếu trong thời gian yêu cầu chia di sản thừa kế với động sản là 10 năm, với bất động sản là 30 năm từ thời gian mở thừa kế thì tìm đươc di chúc bị thất lạc thì hoàn toàn có thể yêu cầu chia lại di sản thừa kế.
Vì vậy, sau 2 năm kể từ thời điểm chia thừa kế theo pháp luật mà tìm được di chúc, thì anh hoàn toàn có thể yêu cầu chia lại di sản theo đúng với nội dung của di chúc.
05 quyền của người lập di chúc
Tôi muốn lập di chúc. Ban biên tập có thể cho tôi biết tôi có quyền gì trong chuyện này? Tôi có quyền để lại nghĩa vụ trả nợ cho con trai tôi không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định quyền của người lập di chúc:
Người lập di chúc có 05 quyền sau đây:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Trong 05 quyền này có bao gồm quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Cho nên bạn có thể giao nghĩa vụ trả nợ cho con trai mình khi lập di chúc.
Nghĩa vụ giải thích nội dung di chúc
Ba tôi mất để lại di chúc nhưng cách viết của ông không được rõ ràng. Vậy xin hỏi trong trường hợp này chị em chúng tôi phải cùng nhau giải thích di chúc không? Hay bắt buộc phải nhờ Tòa án giải thích? Vấn đề này pháp luật quy định thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Căn cứ Điều 648 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc giải thích nội dung di chúc như sau:
Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định này thì trong trường hợp di chúc không rõ ràng thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc. Như vậy thì những người được thừa kế theo di chúc của ba bạn thì phải cùng nhau giải thích di chúc theo nguyên tắc trên. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo