Ở mọi địa điểm thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa đều được đón trả khách, có đúng không?
Thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa có thể đón trả khách ở mọi địa điểm được không?
Tại Điều 6 Thông tư 39/2019/TT-BGTVT quy định về trách nhiệm và quyền hạn của thuyền trưởng như sau:
1. Quản lý, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và tài sản trên phương tiện; nắm vững tình trạng kỹ thuật, thời hạn hoạt động và chu kỳ sửa chữa của phương tiện.
2. Quản lý sổ nhật ký hành trình, danh bạ thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có) và sổ sách, giấy tờ cần thiết khác của phương tiện, tổ chức việc ghi chép và thường xuyên kiểm tra việc ghi chép sổ sách.
3. Tổ chức giao nhận hàng hóa, phục vụ hành khách theo lệnh điều động hoặc hợp đồng vận chuyển và các quy định hiện hành.
4. Tổ chức phân công, giám sát, đôn đốc thuyền viên hoàn thành nhiệm vụ.
5. Chỉ được đón, trả khách, xếp dỡ hàng hóa ở những nơi đã quy định, trừ trường hợp gặp nạn hoặc bất khả kháng.
6. Khi phương tiện bị tai nạn, phải thực hiện mọi biện pháp cấp cứu có hiệu quả nhất; nếu phương tiện bị chìm đắm, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời phương tiện sau khi đã thi hành mọi biện pháp cứu người, tài sản, hàng hóa và các giấy tờ cần thiết của phương tiện, trừ trường hợp phương tiện chìm hẳn.
7. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, phải chấp hành lệnh điều động, tổ chức tham gia cứu nạn nếu việc làm này không gây nguy hiểm đối với thuyền viên, hành khách và phương tiện do mình chỉ huy.
8. Phương tiện đang hoạt động nếu có trường hợp sinh đẻ, tử vong hoặc ốm đau, tai nạn, thuyền trưởng phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định như sau:
a) Khi có người ốm đau, tai nạn, phải tổ chức sơ cứu cho nạn nhân, nếu nghiêm trọng phải kịp thời đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất;
b) Khi có người sinh đẻ hoặc tử vong, phải lập biên bản với sự tham gia của 02 (hai) nhân chứng. Biên bản sinh con phải thể hiện rõ nội dung thời gian sinh, giới tính và tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Biên bản tử vong phải ghi rõ những tài sản, giấy tờ kèm theo của người chết; phải quản lý biên bản và tài sản đó để giao lại cho chính quyền địa phương và thân nhân người chết.
9. Khi rời phương tiện, phải trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền; trường hợp vắng mặt từ một ca làm việc trở lên, phải bàn giao bằng văn bản; nếu không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ, phải giao quyền chỉ huy cho thuyền phó đồng thời phải báo cáo ngay cho chủ phương tiện.
10. Trường hợp chuyển giao nhiệm vụ cho người khác theo yêu cầu của chủ phương tiện, phải lập biên bản nêu rõ hiện trạng thuyền viên, trạng thái kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị, tài sản, số hành khách, sổ sách, giấy tờ, tài liệu có liên quan của phương tiện. Biên bản bàn giao mỗi bên giữ một bản, gửi chủ phương tiện một bản.
11. Tổ chức phân công, thực hiện kê khai các nội dung theo yêu cầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phương tiện chuẩn bị cập, rời cảng, bến. Trước khi khởi hành, phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh trên phương tiện; trước giờ rời cảng, bến phải kiểm tra, đôn đốc các bộ phận thuyền viên có liên quan chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ chuyến đi; chỉ rời cảng, bến khi phương tiện bảo đảm an toàn, chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi và được phép của cơ quan có thẩm quyền.
12. Trực tiếp phụ trách một ca làm việc, trực tiếp điều khiển phương tiện qua những khu vực nguy hiểm; ngoài giờ đi ca, nếu thuyền phó hoặc máy trưởng đề nghị, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc.
13. Thực hiện nhiệm vụ của thuyền phó nếu không có cơ cấu chức danh thuyền phó trên phương tiện.
14. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thuyền trưởng có quyền:
a) Đề nghị thay đổi hoặc không tiếp nhận thuyền viên làm việc trên phương tiện nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn quy định;
b) Buộc thuyền viên rời khỏi phương tiện nếu có những hành vi không chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng hoặc vi phạm nội quy, quy định khi làm việc;
c) Từ chối cho phương tiện thực hiện chuyển đi nếu xét thấy phương tiện, điều kiện khí hậu, thủy văn, môi trường không đủ điều kiện hoạt động hoặc không đảm bảo an toàn.
Theo đó, đối chiếu với quy định nêu trên thì khi bạn là thuyền trưởng thì bạn chỉ được phép dừng đón khách tại những nơi được quy định, trừ trường hợp gặp nạn hoặc bất khả kháng.
Điều kiện để phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động là gì?
Theo Điều 24 Luật Giao thông vận tải đường thủy nội địa 2004 được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014 về điều kiện hoạt động của phương tiện, cụ thể như sau:
1. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật này;
b) Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
c) Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.
2. Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:
a) Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;
b) Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;
c) Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
d) Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.
4. Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện an toàn quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
5. Phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, khi bạn mua mới phương tiện thủy nội địa để hành nghề thì bạn phải đáp ứng được tất cả các điều kiện nêu trên thì phương tiện của bạn mới đủ điều kiện để hoạt động.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài