Có được hưởng trợ cấp thai sản đối với mang thai đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng do dịch nghỉ không lương?
Mang thai đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng do dịch nghỉ không lương thì có được hưởng trợ cấp thai sản?
Vợ mang thai đóng BHXH chưa đủ 6 tháng do dịch bệnh nghỉ việc không lương thì có được hưởng trợ cấp thai sản? Mong sớm nhận hồi đáp.
Trả lời:
Tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có quy định:
- Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Lao động nữ mang thai;
+ Lao động nữ sinh con;
...
- Người lao động quy định nên trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Người lao động nêu trên đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trương hợp người lao động để đủ điều kiện đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng sinh con thì sẽ đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Với trường hợp của vợ bạn vì do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên phải nghỉ việc không lương nên sẽ không đóng BHXH thời gian đó. Vì lý do đó thì vẫn không đáp ứng điều kiện để hưởng chế độ thai sản. Hiện tại BHXH Việt Nam chưa ban hành quy định nào về việc xem xét cho những đối tượng nên trên. Nên đối chiếu theo Luật thì vẫn không được hưởng anh nhé!
Sinh con vào dịp tết nguyên đán 2022, chồng có được nghỉ thai sản bù?
Em dự sinh vào trúng dịp Tết nguyên đán 2022 em đang muốn hỏi: Sinh con vào dịp tết nguyên đán, chồng có được nghỉ bù không?
Trả lời:
Khoản 2 và Khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 Quy định:
2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
7. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, khi sinh con trong dịp tết nguyên đán thì chồng chị được nghỉ bù vì thời gian hưởng chế độ thai sản cho chồng khi vợ sinh con không bao gồm nghỉ Tết.
Công ty buộc nộp bản chính giấy chứng sinh để làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản có đúng không?
Cho em hỏi, em đang chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản nhưng công ty buộc nộp bản chính giấy chứng sinh để làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản có đúng không? Vì em chỉ có 1 bản chính mà đã đi làm giấy khai sinh cho bé.
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì chị chỉ cần nộp bản sao giấy chứng sinh của con để hưởng chế độ thai sản hoặc bản sao giấy khai sinh của con. Trường hợp công ty yêu cầu chị nộp bản chính là không cần thiết. Do đó, chị có thể trao đổi lại với công ty.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân