Hộ gia đình phải nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là bao nhiêu?
Số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp đối nước thải sinh hoạt của hộ gia đình tính như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt như sau:
1. Đối với nước thải sinh hoạt
Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:
Số phí phải nộp (đồng)
=
Số lượng nước sạch sử dụng (m3)
x
Giá bán nước sạch
(đồng/m3)
x
Mức thu phí
Trong đó:
a) Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.
b) Giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn.
c) Mức thu phí được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
Tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 53/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt:
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.
Như vậy, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt mà gia đình anh/chị phải đóng được tính theo công thức trên, số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ, giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn, mức phí áp dụng đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Hộ gia đình đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt ở đâu?
Theo Điều 3 Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức thu phí như sau:
Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn. Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các cơ sở trên địa bàn.
2. Tổ chức cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch do mình cung cấp.
3. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tự khai thác nước để sử dụng.
Theo đó, hộ gia đình sẽ đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cho tổ chức cung cấp nước sạch cho hộ gia đình.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh