Tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ phải đáp ứng những điều kiện nào??
Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, theo đó:
Tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:
1. Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam (bị bãi bỏ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 16/2019/NĐ-CP).
2. Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:
a) Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;
b) Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);
c) Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;
d) Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;
đ) Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
3. Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ sau đây: (bị bãi bỏ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 16/2019/NĐ-CP).
4. Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả (bị bãi bỏ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 16/2019/NĐ-CP).
5. Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ; tại nơi giao dịch phải có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.
6. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.
7. Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép.
Theo đó, khi bạn đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì bạn có thể lập tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ bao gồm những gì?
Theo Điều 7 Quyết định 21/2008/QĐ-NHNN được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 11/2016/TT-NHNN và Điều 1 Thông tư 15/2019/TT-NHNN về hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ; đăng ký thay đổi đại lý đổi ngoại tệ:
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này);
b) Văn bản cam kết của tổ chức kinh tế kèm bản sao giấy tờ chứng minh (nếu có) về việc đặt đại lý đổi ngoại tệ tại địa điểm theo quy định của Chính phủ về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; cam kết của tổ chức kinh tế về việc chỉ làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép;
c) Bản sao giấy tờ chứng minh việc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật;
d) Báo cáo về tình hình trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đổi ngoại tệ;
đ) Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp cho nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ, trong đó xác nhận nhân viên đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả;
e) Quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ bao gồm các nội dung chính sau: có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ; việc ghi chép, xuất hóa đơn cho khách hàng, lưu giữ chứng từ, hóa đơn, sổ sách; chế độ hạch toán, kế toán; chế độ báo cáo;
g) Bản sao hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ ký với tổ chức tín dụng ủy quyền, bao gồm những nội dung chính sau:
(i) Tên, địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại cần liên hệ của các bên ký kết hợp đồng;
(ii) Tên, địa chỉ các đại lý đổi ngoại tệ;
(iii) Quy định đại lý đổi ngoại tệ chỉ được mua ngoại tệ bằng tiền mặt (trừ các đại lý đặt ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế) và bán lại số ngoại tệ tiền mặt đổi được (ngoài số ngoại tệ tồn quỹ được để lại) cho tổ chức tín dụng ủy quyền;
(iv) Quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá mua, bán (đối với đại lý đặt ở các khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế) đối với khách hàng và tỷ giá bán lại ngoại tệ tiền mặt cho tổ chức tín dụng ủy quyền phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối; quy định các loại phí hoa hồng đại lý (nếu có);
(v) Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, trong đó quy định rõ đại lý đổi ngoại tệ phải thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ; quy định định kỳ tổ chức tín dụng ủy quyền phải kiểm tra hoạt động của các đại lý để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và các quy định của pháp luật;
(vi) Thỏa thuận về mức tồn quỹ được để lại và thời hạn phải bán số ngoại tệ tiền mặt mua được cho tổ chức tín dụng ủy quyền.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài