Có cần phải công bố thông tin khi tiến hành giao dịch chứng khoán không?
Không công bố thông tin giao dịch chứng khoán có được không?
Tại Khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định về công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ, theo đó:
1. Người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng (sau đây gọi chung là người nội bộ) và người có liên quan của các đối tượng này (sau đây gọi chung là người có liên quan) phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết), công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khi giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ), kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán (như các giao dịch cho hoặc được cho, tặng hoặc được tặng, thừa kế, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng chứng khoán và các trường hợp khác), cụ thể như sau:
a) Trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII hoặc Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thời hạn thực hiện giao dịch không được quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch. Người nội bộ và người có liên quan phải thực hiện theo thời gian, khối lượng, giá trị do Sở giao dịch chứng khoán đã công bố thông tin và chỉ được thực hiện giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán;
c) Trường hợp thực hiện giao dịch mua trong các đợt phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc giao dịch chào mua công khai, đối tượng phải công bố thông tin theo quy định tại Điều này được miễn trừ nghĩa vụ quy định tại điểm b khoản này và thực hiện theo quy định pháp luật về hoạt động chào bán, phát hành, chào mua công khai;
d) Người nội bộ và người có liên quan không được đồng thời đăng ký, giao dịch mua và bán cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ, quyền mua chứng chỉ quỹ hoặc chứng quyền có bảo đảm trong cùng một đợt đăng ký, giao dịch và chỉ được đăng ký, thực hiện giao dịch tiếp theo khi đã báo cáo kết thúc đợt giao dịch trước đó; ngoại trừ trường hợp công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là người có liên quan của người nội bộ thực hiện đăng ký, giao dịch mua và bán chứng khoán cho các quỹ ETF hoặc đầu tư theo chỉ định của khách hàng ủy thác tuy nhiên phải đảm bảo từng khách hàng ủy thác không được đồng thời đăng ký, giao dịch mua và bán trong cùng một đợt đăng ký;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;
e) Người nội bộ và người có liên quan là đối tượng phải thực hiện báo cáo, công bố thông tin theo quy định tại khoản này đồng thời là đối tượng phải thực hiện báo cáo, công bố thông tin theo quy định tại Điều 31 Thông tư này thì chỉ phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin áp dụng đối với người nội bộ và người có liên quan.
Theo đó, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán; công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Không báo cáo kết quả thực hiện giao dịch chứng khoán bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Khoản 5 Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP quy định như sau:
5. Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;
h) Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Như vậy, với hành vi không báo cáo kết quả thực hiện giao dịch chứng khoán có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 500.000.000 đồng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài