Hóa đơn gửi hàng bằng phương tiện vận tải đường sắt gồm những thông tin gì?
Những thông tin trên hóa đơn gửi hàng bằng phương tiện vận tải đường sắt?
Các thông tin ghi trong hóa đơn gửi hàng bằng phương tiện vận tải đường sắt được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa. Sắp tới, tôi dự định gửi một số lượng lớn sản phẩm gia dụng cho người quen ở TP.HCM bằng tàu hỏa. Tôi nghe nói bên vận tải sẽ lập hóa đơn gửi hàng để ghi lại thông tin vận chuyển. Vậy, trong hóa đơn gửi hàng chứa những nội dung thông tin nào? Tôi có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này tại đâu? Rất mong nhận được giải đáp từ các chuyên gia. Xin cảm ơn rất nhiều!
Trả lời:
Thông tin hóa đơn gửi hàng bằng phương tiện vận tải đường sắt được quy định tại Khoản 3 Điều 55 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:
Hóa đơn gửi hàng hóa phải ghi rõ loại hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, khối lượng hàng hóa; nơi giao hàng hóa, nơi nhận hàng hóa, tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; giá vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thỏa thuận ghi vào hóa đơn gửi hàng hoá; xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về tình trạng hàng hóa nhận vận tải.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Hợp đồng vận tải hàng hóa là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng được quy định trong hợp đồng. Hợp đồng vận tải hàng hóa xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.
Hóa đơn gửi hàng hóa là bộ phận của hợp đồng vận tải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phát hành theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập hóa đơn và giao cho người thuê vận tải sau khi người thuê vận tải giao hàng hóa; có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải ủy quyền. Hóa đơn gửi hàng hóa là chứng từ giao nhận hàng hóa giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.
Vận tải quốc tế bằng đường sắt được quy định như thế nào?
Hoạt động vận tải quốc tế bằng đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em được biết, hiện nay, cùng với sự phát triển của các loại hình phương tiện giao thông vận tải thì lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sắt cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. Nhờ Ban biên tập trả lời giúp em, pháp luật hiện hành quy định ra sao về hoạt động vận tải đường sắt quốc tế? Em có thể tìm thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Quý anh chị. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Hoạt động vận tải quốc tế bằng đường sắt được quy định tại Điều 57 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:
1. Vận tải quốc tế là vận tải từ Việt Nam đến nước ngoài, vận tải từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đến nước thứ ba bằng đường sắt.
2. Hoạt động vận tải quốc tế bằng đường sắt phải đáp ứng quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm gì trong bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt?
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Lạt trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Tôi được biết, Nhà nước vừa ban hành Luật Đường sắt mới sẽ có hiệu lực áp dụng từ tháng 7/2018. Tôi thắc mắc theo nội dung Luật này thì Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm gì đối với công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt? Vấn đề này tôi có thể tìm và tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi của Ban biên tập. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
Trả lời:
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm trong bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm sau đây trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư:
a) Tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua tổ chức bảo vệ công trình đường sắt đặc biệt quan trọng;
c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn, Ban biên tập gửi đến bạn một số thông tin về trách nhiệm của một số chủ thể khác trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:
- Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm sau đây:
+ Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn;
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sau đây:
+ Bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt hoạt động thông suốt, an toàn;
+ Trường hợp đất dành cho đường sắt bị xâm phạm phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn