Bên thuê vận chuyển hàng hóa có những quyền và nghĩa vụ gì? Bên vận chuyển hàng hóa có những quyền và nghĩa vụ nào?
Bên thuê vận chuyển hàng hóa có quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển hàng hóa được quy định như thế nào?
Trả lời:
a) Giao hàng hoá cho bên vận chuyển.
Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao hàng hoá vận chuyển cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm như đã thoả thuận. Hàng hoá phải được đóng gói đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu đầy đủ và rõ ràng. Bên thuê vận chuyển phải chịu chi phí bốc xếp hàng hoá lên phương tiện vận chuyển nếu các bên không thoả thuận khác.
b) Thanh toán cước phí vận chuyển.
Thanh toán cước phí vận chuyển là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên thuê vận chuyển. Cước phí theo thoả thuận của các bên hoặc theo biểu phí của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển công cộng. Ngoài cước phí vận chuyển, bên thuê vận chuyển có thể phải trả them các khoản phụ phí vận chuyển khác như tiền lưu kho, lưu bãi…
c) Trông coi hàng hoá trên đường vận chuyển.
Các bên có thể thoả thuận để bên thuê vận chuyển cử người trông coi hàng hoá trên đường vận chuyển (người áp tải) đối với việc vận chuyển một số loại hàng hoá có giá trị lớn hoặc hàng hoá yêu cầu phải có chế độ bảo quản, chăm sóc đặc biệt. Trong trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi hàng hoá vận chuyển mà hàng hoá bị mất mát, hư hỏng thì bên thuê vận chuyển phải tự chịu trách nhiệm trước những tổn thất tài sản đó.
Bên vận chuyển hàng hóa có quyền và nghĩa vụ nào?
Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển hàng hóa được quy định như thế nào?
Trả lời:
a) Tiếp nhận hàng hoá của bên thuê vận chuyển.
– Bên vận chuyển phải đưa phương tiện vận chuyển đến nhận hàng hoá vận chuyển theo sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hoá phù hợp với tính chất hàng hoá.
– Bên vận chuyển có nghĩa vụ nhận hàng hoá của bên thuê vận chuyển đúng thời gian và địa điểm theo thảo thuận. Trường hợp bên vận chuyển nhận chậm hàng làm phát sinh chi phí bảo quản hàng hoá cho bên thuê vận chuyển thì phải bồi thường các thiệt hại đó. Trường hợp bên thuê vận chuyển giao hàng chậm thì bên vận chuyển yêu cầu bên thuê vận chuyển bồi thường các thiệt hại phát sinh do bị lưu giữ phương tiện vận chuyển.
– Bên vận chuyển được quyền từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng. Nhưng trong thực tế thì người vận chuyển chỉ có thể từ chối việc vận chuyển trong trường hợp việc thay thế hàng hoá vận chuyển làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người vận chuyển hoặc những người thuê vận chuyển khác.
Ngoài ra, bên vận chuyển có quyền từ chối nhận những hàng hoá không đảm bảo các tiêu chuẩn đóng gói cần thiết theo thoả thuận của các bên. Người vận chuyển được quyền từ chối vận chuyển hàng hoá cấm lưu thông, hàng hoá có tính chất nguy hiểm, độc hại.
– Nếu hợp đồng quy định bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ xếp hàng lên phương tiện vận chuyển thì bên vận chuyển có nghĩa vụ hướng dẫn việc sắp xếp hàng hoá trên phương tiện vận chuyển và có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển phải sắp xếp hàng hóa theo đúng hướng dẫn.
b) Tổ chức vận chuyển hàng hoá theo đúng các điều kiện đã thoả thuận.
Trong giai đoạn này, bên vận chuyển có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây:
– Vận chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm trả hàng. Trường hợp bên vận chuyển giao hàng không đúng địa điểm đã quy định thì phải thanh toán chi phí vận chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng cho bên thuê vận chuyển.
– Bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển: Theo thông lệ chung thì nghĩa vụ bảo quản hàng hoá của bên vận chuyển phát sinh từ thời điểm bên vận chuyển tiếp nhận hàng hoá vận chuyển do bên thuê vận chuyển giao và kết thúc khi đã giao hàng hoá cho người nhận tại địa điểm trả hàng.
c) Trả hàng cho người có quyền nhận hàng.
Trả hàng là nghĩa vụ cơ bản của người vận chuyển trước người gửi hàng cũng như người có quyền nhận hàng (nếu người gửi hàng không đồng thời là người nhận hàng).
– Trả hàng hoá vận chuyển đúng đối tượng.
– Thông báo về việc hàng hoá đến cho người có quyền nhận hàng. Trường hợp các bên thoả thuận trả hàng tại địa chỉ của người nhận thì người vận chuyển không phải thông báo hàng đến.
– Trả hàng đúng phương thức đã thoả thuận.
Một nguyên tắc phải tôn trọng là khi bên vận chuyển nhận hàng theo phương thức nào thì trả hàng phải theo phương thức đó.
– Nếu bên vận chuyển đã vận chuyển hàng hoá đến địa điểm trả hàng đúng thời hạn quy định nhưng không có người nhận hàng, thì bên vận chuyển có thể gửi hàng hoá tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc bên có quyền nhận hàng biết. Các chi phí gửi giữ, bảo quản hàng hoá do bên thuê vận chuyển hoặc bên có quyền nhận hàng hoá chịu.
– Bên vận chuyển có quyền từ chối trả hàng và có quyền lưu giữ hàng, nếu người thuê vận chuyển và người nhận hàng chưa thanh toán đủ các khoản cước phí và chi phí vận chuyển hoặc khi chưa nhận được sự bảo đảm thoả đáng cho việc thanh toán các khoản cước phí và chi phí nói trên.
Hợp đồng đối với người vận chuyển hàng hóa thuê cần phải có nội dung gì?
Muốn làm hợp đồng đối với người vận chuyển hàng hóa thuê cần phải có nội dung gì? Hiện tại em đang chuẩn bị bắt đầu kinh doanh và phải thuê Shipper. Em làm về mảng dịch vụ, tức nhận hàng của khách về làm sau đó trả lại cho khách. Do giá trị mặt hàng khá lớn nên em muốn làm một hợp đồng với Shipper để tránh tình trạng mất mát hàng hoá, nếu có mất thì Shipper sẽ phải bồi thường một phần. Đây là những shipper làm việc tự do, không theo công ty nào cả. Em cũng không thuê làm part-time hoặc full-time mà làm việc dựa trên thời gian rảnh của Shipper. Vậy bản hợp đồng này em nên làm như thế nào và bao gồm những mục gì ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Trường hợp của bạn, bạn không muốn bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động với người giao hàng cho bạn thì bạn chỉ có thể ký hợp đồng dịch vụ theo quy định của Luật thương mại 2005, cụ thể có thể ký hợp đồng với tên gọi là “Hợp đồng giao nhận hàng hóa”.
Điều 74 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức hợp đồng dịch vụ như sau:
1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Căn cứ vào Mục 2 Chương III Luật thương mại 2005 thì nội dung giao kết hợp đồng này sẽ bao gồm các nội dung chính như sau:
+ Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ;
+ Thời hạn hoàn thành dịch vụ;
+ Yêu cầu của khách hàng liên quan đến những thay đổi trong quá trình cung ứng dịch vụ;
+ Tiếp tục cung ứng dịch vụ sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ;
+ Nghĩa vụ của khách hàng;
+ Giá dịch vụ;
+ Thời hạn thanh toán.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể giao kết hợp đồng giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, để giao kết hợp đồng giao nhân hàng hóa - hợp đồng dịch vụ thuộc điều chỉnh của Luật thương mại 2005 thì bạn phải là tổ chức có đăng ký kinh doanh. Nếu bạn chỉ lập cửa hàng nhỏ không có đăng ký kinh doanh thì bạn có thể giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng dịch vụ như sau:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh