Quy định mới về các vấn đề về tiếp khách trong nước của Bộ Y tế?
Vấn đề về tiếp khách trong nước của Bộ Y tế?
Căn cứ Điều 30 Quy chế làm việc của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 1828/QĐ-BYT năm 2022 quy định về nội dung như sau:
Tiếp khách trong nước
1. Các cuộc tiếp và làm việc chính thức theo chương trình của Lãnh đạo Bộ
a) Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công Thứ trưởng tiếp khách là Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố; Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các chức danh tương đương; các đoàn đại biểu và khách mời theo chương trình của Lãnh đạo Bộ.
b) Văn phòng Bộ có nhiệm vụ
- Trình Bộ trưởng các đề nghị tiếp khách nêu tại điểm a khoản 1 Điều này; thông báo kịp thời ý kiến của Bộ trưởng cho các Thứ trưởng (nếu được phân công) và các đơn vị liên quan biết để thực hiện.
- Khi có kế hoạch làm việc với khách, Văn phòng Bộ thống nhất với cơ quan đối tác về nội dung chi tiết kế hoạch chuẩn bị để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Kế hoạch phải chi tiết có phân công cụ thể: Chuẩn bị báo cáo, thành phần tham dự; phương án đón, tiếp đại biểu; bảo vệ an ninh (nếu cần); phòng làm việc; nội dung chương trình làm việc. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Văn phòng Bộ thông báo các đơn vị được phân công chuẩn bị; mời các đơn vị liên quan tham dự; kiểm tra đôn đốc và chịu trách nhiệm về công tác chuẩn bị, tổ chức việc đón khách, ghi danh sách đại biểu, phát tài liệu, ghi biên bản buổi làm việc; trình Lãnh đạo Bộ ban hành thông báo kết quả làm việc (nếu cần)...
2. Đối với các cuộc tiếp xã giao, thăm và làm việc của Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ có trách nhiệm bố trí chương trình và chủ trì công tác phục vụ theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Bộ.
3. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức tiếp và làm việc với Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các đơn vị ngang cấp về các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình giải quyết công việc, nếu nội dung có liên quan đến đơn vị khác thì có thể mời họp hoặc trực tiếp xin ý kiến đơn vị có liên quan; những nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị phải trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Lãnh đạo Bộ.
Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị của Bộ Y tế trong việc thực hiện công tác thông tin, báo cáo?
Căn cứ Điều 32 Quy chế làm việc của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 1828/QĐ-BYT năm 2022 quy định về nội dung như sau:
Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện công tác thông tin, báo cáo
1. Tổ chức hệ thống thông tin để nắm được tình hình chủ yếu diễn ra hằng ngày thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị ở cả Trung ương và địa phương; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định của Bộ và cung cấp thông tin cho cấp dưới.
2. Chế độ báo cáo định kỳ (tháng, sáu tháng, năm) phải được Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực duyệt trước khi trình Bộ trưởng. Khi có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền quản lý của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo Lãnh đạo Bộ để kịp thời xử lý.
a) Hạn trình đối với báo cáo công tác y tế
- Báo cáo tháng: Trước ngày 18 hằng tháng.
- Báo cáo 6 tháng: Trước ngày 20 tháng 6 hằng năm.
- Báo cáo năm: Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.
b) Hạn trình đối với báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành
- Báo cáo quý: Trước ngày 18 tháng cuối của Quý.
- Báo cáo 6 tháng: Trước ngày 20 tháng 6 hằng năm.
- Báo cáo năm: Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tháng; báo cáo quý; Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và gửi Văn phòng Chính phủ theo đúng thời hạn quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này hoặc theo thời hạn yêu cầu của Chính phủ.
3. Báo cáo theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ phụ trách.
4. Báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ phụ trách đối với những công việc mới phát sinh, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
5. Trường hợp được Lãnh đạo Bộ cử đi họp, đi công tác, thì người được cử đi họp, đi công tác có trách nhiệm xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ phụ trách và báo cáo về nội dung và kết quả cuộc họp, chuyến công tác chậm nhất là 05 ngày làm việc sau khi cuộc họp, chuyến công tác kết thúc.
6. Cung cấp cho công chức, viên chức những thông tin sau đây: Chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Y tế liên quan đến công việc của đơn vị và của ngành; Chương trình công tác của Bộ và của đơn vị, kinh phí hoạt động và quyết toán kinh phí hàng năm (nếu có); tuyển dụng, đi học, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch và bổ nhiệm công chức, viên chức, người lao động; văn bản kết luận về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đơn vị; Nội quy, Quy chế làm việc của Bộ, của đơn vị; các vấn đề khác theo quy định.
Trân trọng!
Lê Bảo Y