Người lao động có được xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng không?
Xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 13/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ 15/08/2022) về xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động cụ thể như sau:
1. Việc xác định mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; quỹ tiền lương, thù lao thực hiện; quỹ tiền thưởng; trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Quỹ được thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.
2. Khi xác định mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách theo quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ tiêu lợi nhuận (lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận thực hiện trong năm và lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề) được tính bằng chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi, trong đó:
a) Trường hợp Quỹ bảo đảm đủ các điều kiện: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp thuế và các khoản nộp ngân sách, trích quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật; có tăng trưởng dư nợ cho vay; năng suất lao động bình quân không giảm và chênh lệch thu trừ chi kế hoạch cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý chuyên trách được xác định như sau:
TLbqkh = TLcb x (1 + Hln)
Trong đó:
TLbqkh : Mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý chuyên trách;
TLcb : Mức lương cơ bản của người quản lý chuyên trách được xác định theo khoản 1 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH;
Hln: Hệ số lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với mức chênh lệch thu trừ chi như sau: mức chênh lệch dưới 10 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,1; mức chênh lệch từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,3; mức chênh lệch từ 20 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,5; mức chênh lệch từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,7; mức chênh lệch từ 50 tỷ đồng trở lên thì Hln được tính tối đa bằng 1,0.
b) Trường hợp Quỹ không có tăng trưởng dư nợ cho vay thì mức tiền lương bình quân được xác định không vượt quá mức lương cơ bản.
3. Khi xác định thù lao của người quản lý không chuyên trách, trường hợp Quỹ không có người quản lý chuyên trách tương ứng để xác định mức thù lao của người quản lý không chuyên trách theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH thì thực hiện như sau:
a) Xác định mức tiền lương của từng người quản lý chuyên trách theo quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Xác định mức thù lao của người quản lý không chuyên trách theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% mức tiền lương của người quản lý chuyên trách tương ứng theo điểm a khoản 3 Điều này.
Loại trừ yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương, thù lao đối với người quản lý được quy định như thế nào?
Tại Điều 8 Thông tư 13/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ 15/08/2022) về loại trừ yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương, thù lao đối với người quản lý, theo đó:
1. Khi xác định quỹ tiền lương, quỹ thù lao (kế hoạch và thực hiện) của người quản lý, nếu có yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi thì phải xác định loại trừ, bảo đảm tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động thực sự của Quỹ.
2. Các yếu tố khách quan để loại trừ khi xác định quỹ tiền lương, quỹ thù lao bao gồm các yếu tố quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH và khoản 2 Điều 45 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.
3. Việc loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi của Quỹ phải được lượng hóa bằng giá trị cụ thể.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài