Phiên hoà giải của các đương sự, thẩm phán có được tham gia hay không?

Thẩm phán có được tham gia phiên hoà giải của các đương sự hay không? Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ do mấy thẩm phán tiến hành giải quyết? Thẩm phán có tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đã có bản khai không?

Thẩm phán có được tham gia phiên hoà giải của các đương sự hay không?

Tôi có tranh chấp dân sự với một người khác. Sắp tới có phiên hòa giải tại tòa tôi muốn biết trong phiên hòa giải có sự tham gia của thẩm phán hay không. Thư ký tòa án có thể thay thế thẩm phán tham dự phiên hòa giải hay không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như sau:

1. Thành phần tham gia phiên họp gồm có:

a) Thẩm phán chủ trì phiên họp;

b) Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;

c) Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;

d) Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);

e) Người phiên dịch (nếu có).

2. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp; đối với vụ án về hôn nhân và gia đình, Thẩm phán yêu cầu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phiên họp; nếu họ vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

Như vậy, theo quy định như trên Thẩm phán và thư ký tòa án là những thành phần bắt buộc phải tham gia phiên hòa giải. Do đó Thư ký tòa án không thể thay thế Thẩm phán tham gia phiên hòa giải.

Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ do mấy thẩm phán tiến hành giải quyết?

Liên quan đến giải quyết việc dân sự thì yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công thì sẽ do mấy thẩm phán tiến hành giải quyết? Nhờ hỗ trợ quy định cụ thể.

Trả lời:

Khoản 1, 2 Điều 67 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về thành phần giải quyết việc dân sự, theo đó:

1. Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại khoản 5 Điều 27, khoản 9 Điều 29, khoản 4 và khoản 5 Điều 31, khoản 2, 3 và 4 Điều 33 của Bộ luật này hoặc việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự do tập thể gồm ba Thẩm phán giải quyết.

2. Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do một Thẩm phán giải quyết.

...

Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công thuộc Khoản 2 Điều 33 Bộ luật này, cho nên với yêu này sẽ do tập thể gồm ba Thẩm phán giải quyết.

Thẩm phán có tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đã có bản khai không?

Tôi là bị đơn, đã thực hiện khai trong bản khai, tuy nhiên thẩm phán vẫn thực hiện lấy lời khai. Cho hỏi đúng pháp luật không? Nhờ giải đáp.

Trả lời:

Căn cứ Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định lấy lời khai đương sự như sau:

- Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

- Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.

=> Như vậy, theo quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì nếu bản khai của bạn chưa đầy đủ và rõ ràng thì thẩm phán được quyền tiến hành lấy lời khai của bạn.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm phán

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào