Thỏa thuận về địa điểm tiêu thụ có vi phạm luật cạnh tranh hay không?
Thỏa thuận về địa điểm tiêu thụ có vi phạm luật cạnh tranh?
Công ty A là Công ty kinh doanh sắt thép chiếm 10% thị trường thép tại Việt Nam. Công ty này ký hợp đồng với công ty B cũng là một công ty kinh doanh sắt thép có thị phần 25%. Hai công ty cùng thỏa thuận Công ty A chỉ xuất khẩu thép vào thị trường Châu Âu còn công ty B sẽ chỉ xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thỏa thuận này có vi phạm Luật cạnh tranh không?
Theo Điều 11 Luật cạnh tranh 2018 quy định các trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cụ thể như sau:
"...
2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
..."
Như vậy, hai công ty A, B cùng thỏa thuận Công ty A chỉ xuất khẩu thép vào thị trường Châu Âu còn công ty B sẽ chỉ xuất khẩu vào thị trường Mỹ là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Mặt khác tại khoản 1 Điều 12 Luật cạnh tranh 2018 quy định: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật cạnh tranh là hành vi bị nghiêm cấm.
Vậy nên, thỏa thuận của 2 công ty này là vi phạm về pháp luật cạnh tranh.
Công ty không phân phối sản phẩm cho bên khác có được xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không?
Công ty A (bên giao đại lý) và Công ty B (bên đại lý) ký kết hợp đồng đại lý, trong đó: Công ty A giao cho Công ty B phân phối sản phẩm (i) do Công ty A sản xuất và Công ty B cam kết: Sẽ không phân phối các sản phẩm (i) được bên khác sản xuất bởi công nghệ tương đương với công nghệ sản xuất của sản phẩm (i) của Bên A. Như vậy, đây có phải là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không?
Căn cứ Khoản 9 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như sau:
- Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
- Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
Như vậy, hành vi thỏa thuận trong trường hợp của bạn là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Bởi, hai bên thỏa thuận chỉ giao dịch trong việc phân phối hoạt động của hai bên, không nhận hay không được giao dịch với các đại lý, cơ sở khác bên ngoài trong khi đó cả hai cùng là Công ty tham gia hoạt động trên thị trường, điều này thuộc trường hợp hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận tại Khoản 9 Điều 11 nêu trên.
Tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có được ủy quyền?
Việc tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải trực tiếp thực hiện hay có thể ủy quyền cho người khác cũng được ạ?
Theo Khoản 3 Điều 94 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về việc tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được thực hiện bằng một hoặc một số phương thức sau đây:
- Trực tiếp;
- Qua bưu điện;
- Qua người thứ ba được ủy quyền.
Như vậy, việc tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có thể được ủy quyền cho người thứ ba thực hiện theo quy định hiện hành.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân