Người là viên chức thì có tham nhũng được hay không?
Đối tượng là viên chức thì có tham nhũng được không?
Tôi muốn hỏi, thông thường khi nói đến tham nhũng là những người có chức quyền như cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đối với viên chức nếu họ thực hiện hành vi tương tự như vậy thì có được xem là tham nhũng không?
Trả lời: Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định như sau:
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Do vậy, viên chức vẫn thuộc đối tượng này.
Người dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng không?
Tôi là người dân sinh sống tại xã X. Gần đây tôi phát hiện cán bộ địa chính xã có hành vi nhận tiền của một số người để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy đinh của pháp luật. Vậy đây có phải là hành vi tham nhũng không? Và tôi có quyền tố cáo hành vi này không? Mong ban biên tập hỗ trợ.
Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 có quy định các hành vi tham nhũng bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- ……
=> Vậy với hành vi nhận tiền để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trái phép là hành vi “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”
Theo Điều 5 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng chống tham nhũng như sau:
- Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham
- Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.
=> Như vậy, theo quy định của pháp luật bạn hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi trên và sẽ được bảo vệ sự an toàn theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng có hành vi tham nhũng bị kỷ luật thì cấp phó có liên đới chịu trách nhiệm không?
Thủ trưởng đơn vị đã bị kỷ luật ở mức giáng chức do vi phạm các quy định của đảng và nhà nước ở mức độ nghiệm trọng với hành vi tham nhũng. Vậy cấp phó có bị kỷ luật liên đới không?
Trả lời: Căn cứ vào Điều 11 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Như vậy, khi Thủ trưởng đơn vị bị xử phạt với hình thức giáng chức với hành vi vi phạm tham nhũng mà cấp phó biết mà không báo cáo và vi phạm về xử lý báo cáo sẽ bị xử lý kỷ luật theo mức độ của hành vi không báo cáo. Cấp phó sẽ không bị liên đới chịu trách nhiệm với hành vi tham nhũng của Thủ trưởng.
Ban biên tập phản hồi đến bạn.
Lê Bảo Y