Những mặt hàng được bình ổn giá có thể là xăng dầu hay không?

Xăng dầu có phải mặt hàng được bình ổn giá không? Hành vi găm hàng xăng dầu chờ lên giá để trục lợi có bị xử phạt hình sự không? Thời gian vừa qua, giá xăng dầu đã tăng giá nhiều lần do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới. Vậy cho tôi hỏi, xăng dầu có được xem là mặt hàng được bình ổn giá hay không? Lợi dụng tình hình xăng tăng giá nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển hết hàng để găm hàng chờ lên giá nhằm trục lợi. Vậy vi phạm ở mức độ nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Mong anh chị tư vấn. Tôi cảm ơn.

Xăng dầu có phải mặt hàng được bình ổn giá không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, cụ thể như sau:

2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:

a) Xăng, dầu thành phẩm;

b) Điện;

c) Khí dầu mỏ hóa lỏng;

d) Phân đạm; phân NPK;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;

g) Muối ăn;

h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;

i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;

k) Thóc, gạo tẻ thường;

l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, thì mặt hàng xăng, dầu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bình ổn giá.

Hành vi găm hàng xăng dầu chờ lên giá để trục lợi có bị xử phạt hình sự không?

Tại Khoản 1, Khoản 5 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội đầu cơ, cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, khi cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đối với pháp nhân thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trân trọng!

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào