Máy bay có quyền từ chối vận chuyển hành khách say rượu không?
Hành khách say rượu có đi máy bay được không?
Căn cứ Điều 146 Luật hàng không dân dụng 2006 quy định từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình:
1. Do tình trạng sức khoẻ của hành khách mà người vận chuyển nhận thấy việc vận chuyển hoặc vận chuyển tiếp sẽ gây nguy hại cho hành khách đó, cho những người khác trong tàu bay hoặc gây nguy hại cho chuyến bay.
2. Để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
3. Hành khách không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác vận chuyển hàng không.
4. Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.
5. Hành khách trong tình trạng say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà không làm chủ được hành vi.
6. Vì lý do an ninh.
7. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, việc bạn của bạn tuy có uống rượu nhưng chưa đến mức không làm chủ được hành vi thì bạn của bạn vẫn được phép lên máy bay.
Chuyến bay bị delay, hành khách có được bồi thường?
Theo Điều 4 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 21/2020/TT-BGTVT về nghĩa vụ của người vận chuyển, cụ thể như sau:
1. Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay với mức quy định tại Điều 8 của Thông tư này trong trường hợp từ chối vận chuyển hoặc hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Thông tư này.
2. Công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của người vận chuyển, tại cảng hàng không, văn phòng đại diện, văn phòng bán vé và hệ thống đại lý bán vé của người vận chuyển về các trường hợp được bồi thường ứng trước không hoàn lại, mức bồi thường, chi tiết phương thức và thời hạn bồi thường, địa chỉ cụ thể thực hiện việc bồi thường.
3. Cung cấp thông tin cho Cảng vụ hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách về nguyên nhân hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài ngay sau khi có quyết định hủy hoặc sau khi xác định chuyến bay bị chậm kéo dài để thực hiện việc giám sát, cập nhật lên hệ thống thông tin của cảng hàng không, sân bay.
4. Trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh (trường hợp chuyến bay hủy) hoặc cất cánh thực tế (trường hợp chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Cảng vụ hàng không, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo đến Cảng vụ hàng không việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các chuyến bay theo nội dung sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với hành khách bị từ chối vận chuyển, hủy chuyến bay;
b) Nội dung báo cáo: thông tin về chuyến bay của hãng hàng không; thông tin hành khách bị từ chối vận chuyển, bị hủy chuyến bay và giải pháp xử lý của hãng hàng không;
c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;
d) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời khiếu nại của hành khách bị từ chối vận chuyển, bị hủy chuyến hoặc bị chậm kéo dài.
6. Ghi nhận địa chỉ liên hệ được hành khách cung cấp như: số điện thoại di động, số điện thoại cố định, thư điện tử hoặc số điện thoại của người thân trong trường hợp không liên lạc được trực tiếp để cung cấp các thông tin về tình hình hủy chuyến, chuyến bay bị chậm kéo dài trước 24 giờ so với giờ cất cánh dự kiến làm cơ sở cho việc miễn trừ nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
Bên cạnh đó, Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-BGTVT:
1. Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa như sau:
a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 VNĐ;
b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 300.000 VNĐ;
c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 VNĐ.
2. Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế như sau:
a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;
b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;
c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;
d) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.
3. Người vận chuyển có thể quy định mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp một chuyến bay bị chậm kéo dài sau đó bị hủy thì việc bồi thường ứng trước không hoàn lại chỉ áp dụng 01 lần.
Theo đó, mức tiền mà hãng hàng không phải bồi thường không hoàn lại cho hành khách khi chuyến bay bị hủy, hoãn phụ thuộc vào từng hãng nhưng mức tối thiểu không được thấp hơn mức nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài