Thanh tra Chính phủ có quyền hạn, trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế?
Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế của Thanh tra Chính phủ
Căn cứ Điều 64 Nghị định 35/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/07/2022) Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế của Thanh tra Chính phủ như sau:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn về hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Căn cứ Điều 66 Nghị định này quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
1. Chủ trì xây dựng và chỉ đạo thực hiện phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Tổ chức lập, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế; tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch điều chỉnh tổng thể các quy hoạch này đối với khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; quyết định sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế.
3. Chỉ đạo thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế trong thời gian chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với quy định của pháp luật đối với việc ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ, lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi; hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; ban hành điều kiện và tiêu chí đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư được ưu tiên thuê đất, thuê lại đất quy định tại khoản 4 Điều 9 của Nghị định này.
5. Quy hoạch đất xây dựng khu tái định cư, khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở, khu tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định của pháp luật; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
6. Chỉ đạo thực hiện việc thu hồi diện tích đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định canh, tái định cư và thực hiện các thủ tục cho thuê hoặc giao đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
7. Chỉ đạo các tổ chức có liên quan lập kế hoạch đầu tư và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế như: đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, các điểm đấu nối kỹ thuật với các công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo nghề, trường học và các công trình công cộng khác đáp ứng nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
8. Chủ trì xây dựng kế hoạch và cân đối vốn để đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.
9. Ban hành và giám sát thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế với các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn, quy định phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực theo quy định tại Nghị định này.
10. Chỉ đạo thực hiện quy định về xây dựng, lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
11. Tổ chức và phối hợp tổ chức các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương để đáp ứng nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, khu kinh tế.
12. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra và giám sát việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Xây dựng đề án thành lập, tổ chức lại các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo nguyên tắc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trừ trường hợp có quy định đặc thù khác; quyết định việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Trưởng ban và Phó trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
14. Bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với tình hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp kinh phí hoạt động hành chính, sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước; phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí và tổ chức vận động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
15. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành ở địa phương về thương mại, tài chính, hải quan, ngân hàng, công an và các cơ quan có liên quan khác bố trí đại diện đủ thẩm quyền để giải quyết công việc liên quan tại từng khu công nghiệp, khu kinh tế khi cần thiết.
16. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước khác về khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn